Phóng viên (PV): Bà có thể khái quát đôi nét về hệ thống thư viện của Thủ đô Hà Nội?
Bà Vương Thị Lý: Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều loại hình thư viện. Hệ thống thư viện công cộng là một loại hình góp phần hình thành và phát triển văn hóa đọc của Thủ đô. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 1 thư viện cấp thành phố, 29 thư viện cấp quận, huyện, 55 thư viện cấp xã, phường. Ngoài ra còn một mạng lưới thư viện tủ sách cơ sở ở các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư phân bố đều, rộng khắp 30 quận, huyện, thị xã. Bên cạnh việc bảo đảm vốn tài liệu đáp ứng nhu cầu của người dân đến sử dụng tại thư viện trung tâm, chúng tôi cũng rất quan tâm bổ sung tài liệu kho sách luân chuyển để đưa về cơ sở.
 |
Bà Vương Thị Lý. |
PV: Hà Nội là một trong những thành phố lớn nhất nước. Công tác luân chuyển sách và phục vụ thư viện lưu động ở Hà Nội được thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Vương Thị Lý: Việc thường xuyên bổ sung sách mới, sách hay, phù hợp nhu cầu của người đọc rất quan trọng trong công tác thư viện. Ngoài việc chú trọng công tác bổ sung sách, báo phục vụ bạn đọc bảo đảm về nội dung, cơ cấu, tỷ lệ thành phần tài liệu..., Thư viện Hà Nội tích cực phục vụ luân chuyển sách báo về các thư viện, tủ sách cơ sở, các thư viện trường học trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp vốn sách báo thường xuyên phục vụ bạn đọc. Từ năm 2010 đến nay, Thư viện Hà Nội đã thực hiện phục vụ lưu động đến các trường tiểu học, THCS thuộc địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội. Năm 2024, chúng tôi còn đưa thư viện lưu động phục vụ tại các vườn hoa, công viên thuộc nội thành.
Có những chuyến đi phục vụ thư viện lưu động để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc. Như lần phục vụ tại Trường Tiểu học thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), nhiều học sinh đã níu áo tôi hỏi: “Cô ơi, bao giờ cô lại về?”. Còn các em ở Trường Tiểu học Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) thì quyến luyến không muốn chia tay thư viện lưu động sau hai ngày chúng tôi phục vụ tại trường và đề nghị: “Tháng sau các cô chú lại quay về với chúng em nhé!”... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng khiến chúng tôi cảm thấy công việc dẫu thầm lặng nhưng cũng mang lại giá trị, ý nghĩa cho cuộc sống và xã hội.
Không chỉ đưa sách đến luân chuyển, chúng tôi còn có chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tủ sách tại cơ sở. Có thể nói, hiện nay mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở đã trở thành những địa chỉ văn hóa có ý nghĩa ở thôn, làng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và cũng là nơi để người dân thư giãn sau những giờ làm việc vất vả.
PV: Được biết, sau khi cải tạo, Thư viện Hà Nội đang sở hữu một tổ hợp không gian văn hóa hiện đại. Bà đánh giá như thế nào về những lợi ích mà nó mang lại?
 |
Thư viện Hà Nội là điểm đến thường xuyên của giới trẻ. Ảnh: MINH HƯƠNG
|
Bà Vương Thị Lý: Tháng 4-2023, Dự án “Tái tạo thư viện công cộng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ được đưa vào khai thác sử dụng. Không gian thư viện đẹp hơn, hiện đại hơn với hệ thống phòng đọc mở, phòng mượn sách về nhà, không gian văn hóa Hàn Quốc, trang thiết bị chuyên ngành... Nhờ sự thay đổi này, Thư viện Hà Nội đã trở thành địa chỉ văn hóa thu hút bạn đọc; sự quan tâm, chú ý của truyền thông. Đó là điều kiện thuận lợi giúp quảng bá hình ảnh Thư viện Hà Nội và thu hút thêm lượng bạn đọc đến thư viện. Cũng nhờ diện mạo mới, chúng tôi đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho bạn đọc hơn; nhiều nhà sách, công ty sách cũng muốn giới thiệu sách mới tại trụ sở này.
Cùng với việc HĐND thành phố cho phép người dân được miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện từ ngày 1-8-2023, trong năm ngoái, thư viện đã cấp mới và đổi thẻ cho gần 27.000 bạn đọc. Từ đầu năm 2024 đến nay, con số tăng lên gần 7% so với cùng kỳ năm 2023.
PV: Từng gắn bó hơn 30 năm trong ngành thư viện, bà đề xuất gì để văn hóa đọc của Thủ đô ngày càng phát triển?
Bà Vương Thị Lý: Tôi cho rằng để văn hóa đọc của Thủ đô ngày càng phát triển, cần có những điều kiện cần và đủ. Ở góc độ người làm công tác chuyên môn, trước hết chúng tôi mong muốn Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành luật phải được các cấp, các ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
ĐINH THU (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô xem các tin, bài liên quan.