Tham dự buổi giao lưu có các đồng chí: Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua- Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương; PGS, TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Trần Văn Thuật, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Phạm Tiến Nam, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam... cùng toàn thể cán bộ, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
 |
TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu. |
Buổi giao lưu, đối thoại trực tuyến với độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là một phương thức mới, cùng với các phương thức tuyên truyền khác trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, nhằm tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa của Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định giá trị và sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước qua từng giai đoạn cách mạng của Đảng và nhân dân ta, từ đó củng cố và bồi đắp niềm tin tưởng của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Giao lưu trực tuyến nhằm góp phần tuyên truyền, cổ vũ, khơi dậy và củng cố niềm tin vào các phong trào thi đua yêu nước; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII…
Phát biểu đề dẫn tại buổi giao lưu, TS Trần Doãn Tiến, Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.
Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Bí thư tổ chức mới đây tại Hà Nội cũng đã nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trước hết cần phát động phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu phải hết sức gương mẫu; đồng thời, cần phải tạo phong trào trong xã hội về tình thương yêu đồng bào, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ hoàn cảnh, môi trường làm việc nào thì mọi hành vi ứng xử phải có nghĩa, có tình; giải quyết công việc phải xuất phát trên nền tảng tình thương yêu con người theo tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ.
 |
Các đại biểu trao đổi tại buổi giao lưu. |
Tại buổi giao lưu trực tuyến, các đại biểu đã tập trung phân tích, trao đổi, trả lời, làm sâu sắc thêm các nội dung mà bạn đọc quan tâm đặt câu hỏi, với 4 nhóm vấn đề chủ yếu: Một là, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước; việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về phong trào thi đua trong giai đoạn mới và vai trò của tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua. Hai là, những kết quả nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước trong 70 năm qua; thực chất, hiệu quả các phong trào thi đua; làm thế nào để nâng cao hiệu quả việc phát hiện, nuôi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua, các gương tập thể, cá nhân; làm thế nào để các phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu, làm cho thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ động viên mọi người dân phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; làm thế nào để việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành phong trào thi đua rộng khắp, hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay; vì sao, trong thời gian qua, vẫn có tình trạng “anh hùng sa lưới pháp luật”; làm gì để đổi mới quá trình xét tặng các danh hiệu thi đua cho phù hợp với tình hình hiện nay? Ba là, những chia sẻ, trao đổi của một số điển hình tiên tiến với những mô hình mới, sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước, trong học và làm theo Bác; sức thu hút, lan tỏa của họ đối với những người xung quanh và từ các hoạt động cụ thể. Bốn là, những vấn đề đặt ra và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; làm thế nào để các phong trào thi đua thu hút được mọi đối tượng, thành phần trong xã hội tham gia; phong trào thi đua cần thay đổi như thế nào cho phù hợp trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0?
Tin, ảnh: THU HÀ