Tranh cổ động cổ vũ tinh thần chiến đấu, hy sinh

Gặp lão họa sĩ Trường Sinh, người từng góp mặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chúng tôi được nghe ông kể: Năm 1954, ông phụ trách công tác tuyên huấn Đội 34 Thanh niên xung phong (TNXP) phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội thành lập nhằm mở đường và bảo đảm an toàn tuyến giao thông dài gần 300km theo đường 41 đi Tuần Giáo vào lòng chảo Điện Biên Phủ. Công việc hằng ngày vô cùng bận rộn và vất vả. Các đại đội TNXP gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhất là thuốc nổ. Vì thế, lực lượng TNXP thường xuyên phải dùng sức người vần những quả bom nổ chậm ra khỏi đường. Chứng kiến sức lao động kiên cường, dũng cảm đó, họa sĩ Trường Sinh chợt nghĩ phải có hình thức để động viên, tuyên truyền những việc làm tốt, những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất. Ông lập tức đề xuất với đội trưởng và nhận được sự động viên, khuyến khích nhiệt thành. Vậy là ông bắt tay vào sáng tác, sau vài đêm thao thức, bức tranh đã hoàn thành. Từ đó, trên đỉnh đèo Pha Đin dựng lên một bức tranh cổ động khá lớn với nội dung “Đội 34 TNXP  đào núi, phá đá mở đường”.  

Tranh cổ động “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh.

Họa sĩ Trường Sinh nhớ lại: “Lúc đó, tôi nghe nhiều người kể rằng, mỗi khi mệt mỏi hay thậm chí là nhụt gan sờn chí, họ lại nhìn lên bức tranh để tìm thêm cho mình sức mạnh và dũng khí. Qua đó tôi thấy rằng những bức tranh cổ động có tác dụng cổ vũ tinh thần con người rất mạnh mẽ, sâu sắc và có sức lan tỏa lớn. Đến sau này, năm 1972, trận "Điện Biên Phủ" trên bầu trời Hà Nội, tôi cũng có dịp cổ vũ tinh thần quân, dân Hà Nội bằng bộ nhật ký tranh cổ động "12 ngày đêm chiến đấu với pháo đài bay B-52”. Bộ tranh cổ động sau này của họa sĩ Trường Sinh mang đến cho ông danh hiệu “ông cổ động” rất nổi tiếng trong giới mỹ thuật thời đó và cả sau này.

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả chiến tranh biên giới, những bức tranh cổ động luôn đóng vai trò quan trọng đối với công tác cổ vũ, tuyên truyền tinh thần thi đua. Đến nay, không ít bức tranh đã trở thành biểu tượng hằn in vào tâm trí của nhiều lớp người, nhiều thế hệ. Có thể kể đến những bức như: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Nguyễn Thụ và Huy Oánh, “Hà Nội vùng đứng lên” của Tô Ngọc Vân, “Thừa thắng xông lên đánh giặc Mỹ xâm lược” của Huỳnh Văn Gấm, “Bảo vệ hòa bình” của Đỗ Cung…

Có một câu chuyện về những chiến sĩ sinh viên những năm 1971, 1972 kể thế này: Một anh bộ đội công binh khi vượt Trường Sơn đã bị thương nặng. Biết mình sắp hy sinh, anh dồn sức lực cuối cùng của mình vào cánh tay còn lại để tạc tượng Bác Hồ trên đỉnh núi. Nhiều đoàn quân đi qua con đèo này dừng chân nghỉ lại ven đường ngước mắt lên thấy chân dung Bác như vẫy gọi, giục giã, họ lại có thêm khí thế để vượt lên. Câu chuyện này sau đó được nhà thơ Phạm Vũ viết lại thành bài thơ “Tượng Bác trên đỉnh Trường Sơn” rất nổi tiếng trong lứa bộ đội-sinh viên lúc bấy giờ. Cũng có nhiều bức tranh miêu tả câu chuyện này bởi nhiều họa sĩ-chiến sĩ.

Sức sống bền bỉ của tranh cổ động

Nhiều nước trên thế giới sử dụng tranh cổ động để cổ vũ cho một sự kiện cụ thể. Và giá trị của bức tranh lớn qua sự kiện đó trở thành biểu tượng của đất nước, dân tộc. Có thể thấy điều đó qua rất nhiều những tác phẩm tranh cổ động về “Mẹ Tổ quốc” của Liên bang Xô Viết (sau này là Liên bang Nga), hình tượng “Chú Sam” của Mỹ, hình tượng chủng tộc Aryan của Đức, hay ngay bên cạnh chúng ta là Trung Quốc và Triều Tiên cũng là những “cường quốc” về tranh cổ động. Ở Việt Nam, tranh cổ động có lịch sử tương đối ngắn, có thể nói rộ nhất là từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng tranh cổ động của Việt Nam dường như có tính nghệ thuật cao hơn, cho đến nay vẫn còn sức hấp dẫn với người mua.

Cố họa sĩ Huỳnh Phương Đông từng lý giải về điều này khi tôi có dịp hỏi ông về dòng tranh cổ động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thì ra, do kỹ thuật in ấn của ta trong chiến khu rất nghèo nàn, phần lớn là in li-tô hoặc dùng bản khắc bằng gỗ, đá, đất sét để in ngược. Bức tranh làm ra không bảo đảm về chất lượng nên các họa sĩ (và cả công nhân kỹ thuật) phải dùng tay tô lại. Trong quá trình đó, họa sĩ lại phóng tác thêm cho bức tranh. Thành ra mỗi bức tranh cổ động trong chiến trường phần nào có tính “độc bản” và đó chính là sự hấp dẫn trong tranh cổ động của Việt Minh và Giải phóng quân. Sau khi đất nước mở cửa, các nhà sưu tầm nghệ thuật đã đến Việt Nam và lùng mua rất nhiều tranh cổ động loại này cùng với những bức ký họa chiến trường.

Ngài Đại sứ Hy Lạp Alexis Hadjimichalis thời còn tại nhiệm ở Việt Nam là một người rất mê nghệ thuật hội họa và cũng sưu tập tranh cổ động. Ông có nhiều thời gian cộng tác với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đến mức thân tình. Tôi nghe chuyện, có lần ngài khuyên Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, in tranh cổ động đang có rất nhiều trong kho lưu trữ của bảo tàng ra để bán. Tất nhiên, việc này không thể thực hiện được, nhưng qua đó cũng có thể thấy sự say mê của người nước ngoài đối với tranh cổ động của Việt Nam. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “Các họa sĩ vẽ tranh cổ động suốt những năm dài kháng chiến đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Từ những bức tranh cổ động đầu tiên của các họa sĩ tiền bối, như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Huỳnh Văn Gấm, Đỗ Cung... đã trở thành những biểu tượng cho một thời kỳ khói lửa của hội họa Việt”.

Năm 2013, Bảo tàng Anh quốc mở phòng trưng bày những bức tranh cổ động châu Á (Asian Propaganda: The art of influence). Trong số những bức tranh được giới thiệu tại gian trưng bày này có bức “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh. Đây chính là minh chứng cho giá trị của những bức tranh cổ động-dòng tranh kêu gọi thi đua yêu nước, đồng hành với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước rất đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

LÊ ĐÔNG HÀ