Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu: Thi đua yêu nước là hạnh phúc lớn nhất đời tôi
Những ngày này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Dịp này, chia sẻ câu chuyện về quá trình công tác luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước, tôi mong muốn sẽ góp phần cổ vũ, động viên, nhân lên tinh thần thi đua trong mỗi cán bộ, chiến sĩ.
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu.
|
Ngày ấy, tôi vinh dự được chiến đấu trong đội hình Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2. Ngày 20-10-1948, tôi chính thức trở thành người chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tôi trực tiếp chiến đấu chủ yếu trên Đường số 4a. Trong những năm chiến đấu với các hình thức chiến thuật, như: Vận động chiến, phục kích chiến và công kiên chiến, góp phần tiêu diệt, bắt sống hai binh đoàn La Pa-giơ và Sác-tông, giải phóng quê hương Cao-Bắc-Lạng năm 1950.
Ngày 11-6-1948, Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời dạy đó đã tiếp cho tôi sức mạnh phi thường, chịu đựng mọi đau đớn nhất khi nhờ đồng đội chặt giúp cánh tay phải để tiếp tục ôm quả bộc phá xông lên, phá tan lô cốt ở cứ điểm Đồng Khê, góp phần giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950.
Tại Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ nhất tổng kết phong trào thi đua do Bác Hồ phát động, tôi vinh dự trở thành 1 trong 7 anh hùng toàn quốc (La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Hoàng Hanh, Trần Đại Nghĩa). Tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp biểu dương: La Văn Cầu là lá cờ đầu của phong trào thi đua giết giặc lập công trong quân đội.
Sau những ngày chiến đấu ở chiến trường, tôi trở về đời thường. Bản thân sớm thích nghi với hoàn cảnh mới, luôn nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tự nguyện làm “chiến sĩ môi trường”, góp phần tích cực xây dựng Thủ đô xanh-sạch-đẹp, thể hiện tinh thần thi đua yêu nước một cách thiết thực, sinh động nhất.
Tôi hy vọng, câu chuyện của mình sẽ góp phần khích lệ, lan tỏa tinh thần thi đua yêu nước tới cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 nói riêng, Quân đội ta nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay. Tôi mong các đồng chí luôn thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm cụ thể thiết thực hằng ngày.
AN DUYÊN (ghi)
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử: Tạo dựng và nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần trong sự nghiệp cách mạng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi bắt đầu quá trình xây dựng, phát triển xã hội mới. Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đó là điều kiện chính trị, xã hội bảo đảm cho thi đua phát triển trong các tầng lớp nhân dân, lực lượng xã hội, LLVT nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược: Kháng chiến kiến quốc.
 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Phúc.
|
Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người khẳng định rõ mục đích, cách làm của thi đua ái quốc. Điều quan trọng là động viên mọi người dân yêu nước tham gia. “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Ngay trong tháng 6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư mời ông Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc, Bộ Quốc phòng, nhận nhiệm vụ lãnh đạo Ban Thi đua Trung ương. Người nhấn mạnh lãnh đạo công tác thi đua “cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác”. Tổ chức thi đua yêu nước ngay từ đầu đã có cơ quan và người lãnh đạo. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của thi đua. Thi đua không phải chỉ là lời kêu gọi và động viên tinh thần mà phải thật sự hành động.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân, các LLVT ra sức thi đua, góp phần thiết thực vào công cuộc kháng chiến và kiến thiết đất nước. Các tổ chức đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức lãnh đạo bảo đảm phát triển phong trào thi đua đúng hướng, mang lại kết quả thiết thực. Thi đua mang lại giá trị vật chất rõ rệt, đồng thời giác ngộ ý thức trách nhiệm, tính cộng đồng của mọi thành viên trong xã hội, tạo dựng và nuôi dưỡng động lực, sức mạnh tinh thần trong sự nghiệp cách mạng. Động lực tinh thần ấy tạo ra giá trị vật chất, ý chí, nghị lực và bản lĩnh để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vượt qua khó khăn, thách thức. Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng 70 năm trước được Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện và đã mang lại những thành quả to lớn suốt quá trình kháng chiến cứu nước cũng như xây dựng, phát triển đất nước.
MINH ĐĂNG (ghi)
PGS, TS Lý Việt Quang, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Văn kiện khởi nguồn cho phong trào hành động thiết thực
Ngày 27-3-1948, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức của buổi đầu kháng chiến kiến quốc, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về phát động Phong trào Thi đua ái quốc, với mục đích: “Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
 |
Đồng chí Lý Việt Quang.
|
Thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là văn kiện khởi nguồn và mở ra một phong trào hành động thiết thực thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc, tạo nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Giá trị của văn kiện được thể hiện ở các điểm: Sự thể hiện tập trung tư tưởng thi đua yêu nước; khẳng định, bồi dưỡng, củng cố ý chí, niềm tin của toàn dân tộc vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; khởi nguồn của một phong trào hành động thiết thực giúp đào tạo và nhân rộng những con người mới.
Điều có ý nghĩa sâu sắc trong tư tưởng của Người khi đề cập về thi đua ái quốc, là: Những hành động, việc làm của mỗi người trong Phong trào Thi đua ái quốc không phải là những việc làm cao siêu, khác thường, mà đó chính là công việc rất đỗi bình thường hằng ngày của mỗi người, nhưng được làm với tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tạo nên năng suất, chất lượng và hiệu quả hành động. Với ý nghĩa đó, thi đua ái quốc là phong trào hành động thiết thực của mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt công việc sang hay hèn, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, chỉ cần ai có tinh thần yêu nước thì đều là những người tham gia và xứng đáng được tôn vinh. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang và nhân văn cao cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng bồi dưỡng, giáo dục con người, làm cho mỗi người ngày càng được hoàn thiện hơn cả về phẩm chất đạo đức và năng lực cá nhân. Thông qua việc phát động và tổ chức Phong trào Thi đua ái quốc trên toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ những người Việt Nam yêu nước thuộc mọi giai tầng, lứa tuổi tham gia vào trường đào tạo của thực tiễn cuộc sống...
NGỌC CA (ghi)
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái: Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong gian khó
Bằng những việc làm giúp dân thiết thực, cụ thể của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Yên Bái và các đơn vị trực thuộc Quân khu 2; nhất là trong khó khăn, gian khổ, thiên tai, bão lũ đã làm cho giá trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được phát huy, thể hiện rõ nét và tỏa sáng trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Bắc.
 |
Đồng chí Nguyễn Văn Khánh.
|
Nhớ lại vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải vào tháng 9-2012, LLVT tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 420 cán bộ, chiến sĩ, gần 2.300 dân quân tự vệ, 300 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc Quân khu 2 tích cực tham gia tìm kiếm, cứu người và tài sản thiết yếu; di chuyển nhân dân đến nơi an toàn, đặc biệt đưa hơn 120 hành khách nước ngoài bị kẹt ở tầng hai của ga Yên Bái thoát hiểm an toàn.
Tính riêng năm 2017, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra hai trận lũ ống, lũ quét lịch sử (tại huyện Mù Cang Chải và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ vào tháng 8 và tháng 10). Ngay sau khi xảy ra mưa, lũ, LLVT tỉnh và các đơn vị trực thuộc Quân khu 2 đã huy động hơn 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện, thực hiện "4 cùng" với địa phương và nhân dân; vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tìm kiếm cứu nạn, giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Với sự chung tay, góp sức của các lực lượng, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Yên Bái và Sư đoàn 316 (Quân khu 2) các công trình công cộng, như: Trường học, trạm y tế, khu dân cư, trụ sở làm việc của một số xã, phường, trị trấn trên địa bàn TP Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, Trạm Tấu… bị ảnh hưởng, thiệt hại nhanh chóng được củng cố, khắc phục và đi vào hoạt động bình thường.
LINH CHI (ghi)
Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Suốt đời khắc ghi lời Bác dạy
Tôi rất trân quý và cảm động khi nhận được lời mời của Ban tổ chức tới dự Tọa đàm: “Quân khu 2-Đinh ninh lời Bác dạy”. Do tuổi cao sức yếu, không thể trực tiếp tới dự, tôi trân trọng gửi tới Ban tổ chức tọa đàm tình cảm, cùng những chia sẻ chân thành của một cựu chiến binh từng có gần 10 năm sống, làm việc trên mảnh đất Tây Bắc.
 |
Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ngày ấy, tôi được Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Quân đội nhân dân giao nhiệm vụ ghi lại buổi trò chuyện của Bác với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308). Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trên đường từ Chiến khu Việt Bắc trở lại Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Đền Hùng. Đêm 18-9-1954, Bác nghỉ lại tại Đền Giếng. Tại đây, ngày 19-9-1954, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong, Bác Hồ đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tình thương yêu, lời căn dặn, mệnh lệnh thiêng liêng của Bác tại Đền Hùng năm đó được Quân đội ta, nhân dân ta thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn, đem lại thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Những lời căn dặn đầy tâm huyết của Người mãi vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay, là động lực để cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 nói riêng, Quân đội ta nói chung không ngừng nỗ lực cống hiến, thi đua đạt nhiều thành tích, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong suốt quãng thời gian gắn bó với mảnh đất Tây Bắc thân yêu, tôi được chứng kiến, cảm nhận sâu sắc tình cảm, sự thương yêu, đùm bọc, chở che của đồng bào nơi đây với Bộ đội Cụ Hồ. Đó là tài sản vô giá, là nền tảng để cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta giành những thắng lợi liên tiếp trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, thông qua Báo Quân đội nhân dân và các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi vô cùng phấn khởi khi biết quân và dân Quân khu 2 vẫn luôn đoàn kết gắn bó, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-xã hội trên địa bàn ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, yên vui. Càng phấn khởi hơn, thực hiện lời huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên quê hương đất Tổ, cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn quân khu đã cụ thể hóa thành nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực, hưởng ứng có hiệu quả Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người.
KHÁNH MINH (ghi)
Đồng chí Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Vâng lời Bác dặn, Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới, phát triển
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc vinh dự được Bác Hồ 8 lần về thăm và làm việc. Tại cuộc nói chuyện với hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên ngày 16-7-1963 (trong lần thứ 8 Bác về thăm tỉnh), Bác đã ân cần chỉ bảo cán bộ và nhân dân toàn tỉnh nhiều việc quan trọng cần quan tâm thực hiện. Trong đó, Bác nhấn mạnh đến việc tiếp tục ra sức chống hạn để phát triển sản xuất nông nghiệp, cải tiến quản lý hợp tác xã, đồng thời Bác nhắc nhở cán bộ lãnh đạo phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác căn dặn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.
 |
Đồng chí Vũ Việt Văn.
|
Khắc ghi và thực hiện lời căn dặn của Người, hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tổ chức tốt các phong trào thi đua phù hợp với từng thời điểm, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Vĩnh Phúc hiện nay đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 15,37%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 72,3 triệu đồng/năm, tăng hơn 33 lần so với năm 1997. Thu ngân sách tăng nhanh, từ hơn 100 tỷ đồng năm 1997 lên hơn 32.000 tỷ đồng năm 2016, trong đó thu nội địa đạt 29.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26 lần so với năm 1997. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn khoảng 3,93%; mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động. Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp đầu cả nước về chất lượng giáo dục, hằng năm đều có học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế và khu vực... Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Để xứng đáng với những tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh sẽ đoàn kết, phát huy truyền thống, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-7,5%/năm.
VĂN ĐẠT (ghi)