Cựu chiến binh Vũ Trung Tính, nguyên thủy thủ Đoàn 125 (Quân chủng Hải quân) kể với chúng tôi: Đầu năm 1965, sau khi Tàu 143 bị phát hiện ở bến Vũng Rô (Phú Yên), Mỹ-ngụy tập trung lực lượng phong tỏa trên biển nhằm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của ta.

Vì thế, chủ trương của trên đưa ra là phải tìm đường mới, đi ngoài khơi trên vùng biển quốc tế, qua hải phận của một số nước Đông Nam Á, áp dụng phương pháp hàng hải thiên văn để đi. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Quân chủng Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 chọn Tàu 42 cải dạng thành một tàu đánh cá giống như tàu đánh cá ngừ đại dương của một số nước Đông Nam Á, làm thêm két dầu phụ, két nước phụ, lắp radar giả để lên đường.

24 giờ ngày 15-10-1965, Tàu 42 nhổ neo xuất phát từ cầu Đá Bạc, Thủy Nguyên (Hải Phòng). Ngoài việc chở 60 tấn vũ khí vào miền Nam, nhiệm vụ của Tàu 42 trong chuyến đi này là mở con đường mới và thăm dò, nắm tình hình địch hoạt động trên biển. Khi tàu ra tới đảo Long Châu (Hải Phòng) thì gió mùa Đông Bắc tràn về, sóng to, gió lớn nên tàu phải đi ngược về hướng bắc qua bán đảo Lôi Châu, Hải Nam (Trung Quốc). Đến 14 giờ ngày 19-10, tàu tới gần vùng biển Philippines thì xuất hiện máy bay trinh sát của hải quân Mỹ trên trời, cùng một tàu khu trục đi song song với Tàu 42-một tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” đối với cán bộ, thủy thủ Tàu 42.

Chiến sĩ Vũ Trung Tính (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội ở Đoàn 125, năm 1965. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Ngay lập tức, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Cứng triển khai hội ý ban chỉ huy xác định phương án tác chiến rồi lệnh các thành viên về vị trí chiến đấu, tiến hành nạp đạn tất cả các loại vũ khí; gắn kíp nổ vào bộc phá ở khoang hàng, khoang máy, khoang buồm sẵn sàng hủy tàu để giữ bí mật...

Lúc này, Vũ Trung Tính đang làm nhiệm vụ lái tàu nảy ra ý tưởng giả dạng tàu cá Nhật Bản, đề xuất với thuyền trưởng điều một đồng chí mặc comple ra boong tàu ăn hoa quả, hút thuốc lá, vẫy tay chào phi công Mỹ; cho vài người giả vờ câu cá, đánh lưới... Tuy nhiên, địch vẫn nghi ngờ bám theo Tàu 42 của ta. Dù rất căng thẳng, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ nhưng cán bộ, chiến sĩ tàu không số vẫn kiên trì như không có chuyện gì xảy ra. Không thấy khả nghi, chúng tưởng Tàu 42 của ta là tàu đánh cá của Nhật Bản nên đến hơn 19 giờ, địch chuyển hướng đi nơi khác.

Suốt 4 ngày, Tàu 42 vờ đánh lưới, câu cá ở vùng biển Malaysia, Indonesia, đi vòng quanh vịnh Thái Lan. Để giữ bí mật, tàu chỉ mở máy thông tin nghe điện ở miền Bắc mà không phát sóng liên lạc về sở chỉ huy. Nhiều ngày không có thông tin nên trong bờ nhận định Tàu 42 mất tích hoặc đã hy sinh.

Đến đêm 20-10, chuẩn bị vào cửa Bồ Đề (Cà Mau) đổ hàng, song sở chỉ huy báo tin khu vực này có nhiều tàu địch neo đậu nên Tàu 42 lại quay ra vùng biển Malaysia, Thái Lan rồi lại vòng về biển Campuchia. Mãi 4 ngày sau, Tàu 42 nhận điện cập bến phụ rạch Kiến Vàng và đổ hàng an toàn. Sau 8 tháng vắng bóng những con tàu không số, thượng tuần tháng 10-1965, Tàu 42 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở lại con đường biển chiến lược, tiếp tục chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.

SƠN BÌNH