Báo Quân đội nhân dân trân trọng trích đăng một số tham luận gửi tới hội thảo.

Cựu chiến binh LÊ DUY MAI, nguyên chiến sĩ Tàu 235, Đoàn 125, Quân chủng Hải quân:

Nổ bộc phá, phá tàu

Vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 6-2-1968, Tàu 235 gồm 21 cán bộ, chiến sĩ lên đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến ngày 10-2, khi cách bờ 38 hải lý, tàu chúng tôi bị tàu chiến và máy bay địch bám theo. Mặc dù đã nghi binh lừa địch nhưng chúng vẫn nghi ngờ, theo bám không rời. Hơn 12 giờ ngày 11-2, tàu chúng tôi phải quay về cảng A3 (Hải Khẩu, Trung Quốc) và được sơn màu khác, thay biển số mới.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh LÊ DUY MAI.

Đêm 27-2-1968, Tàu 235 tiếp tục rời bến. Hai ngày sau, đến vùng biển Nha Trang, phát hiện ra tàu của ta, tàu chiến địch tổ chức bao vây. Đến 0 giờ 30 phút ngày 1-3, chúng tôi quyết định thả hàng xuống nước để người của bến vớt. Hai tiếng sau, khi tàu đang ở gần bờ thì địch nổ súng. Chúng bắn đạn cỡ lớn chặn phía trên bờ đồng thời dùng các loại súng nhỏ bắn thẳng vào Tàu 235. Lúc này, máy bay địch thả pháo sáng, tôi thấy rõ có 7 chiếc tàu địch đang bao vây. Chiến sĩ Tàu 235 dùng DKZ và súng máy 14,5mm hướng về phía tàu địch liên tiếp khai hỏa, khiến chúng không dám lại gần.

Sau một hồi chiến đấu, 5 đồng đội hy sinh và 7 người khác bị thương. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cũng bị thương vào đầu nhưng anh vẫn bình tĩnh hô lớn: “Chúng ta sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chuẩn bị phương án 2!”. Nhưng tiếc thay, tàu chưa kịp quay mũi ra hướng biển thì khoang máy bị trúng đạn, khiến tàu không thể cơ động. Anh Vinh ra lệnh: “Nổ bộc phá, phá tàu!”. Các đồng chí bị thương và những người không có nhiệm vụ rời tàu bằng xuồng cao su. Tôi cùng các đồng chí Hà Minh Thật, Vũ Long An vào vị trí chuẩn bị kíp nổ, anh Vinh kiểm tra lại lần cuối, rồi lệnh điểm hỏa hủy tàu và bơi vào bờ. Hơn chục phút sau, trên mặt biển bùng lên cột lửa khổng lồ kèm theo một tiếng nổ dữ dội, chấn động cả vùng biển. “Nổ bộc phá, phá tàu” ngay tại vị trí nhằm xóa dấu vết, không để lộ bí mật nhiệm vụ, bí mật con đường biển chiến lược là mệnh lệnh cuối cùng của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Mệnh lệnh ấy vẫn vang mãi trong tôi.

Trung tướng NGUYỄN QUANG NGỌC, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3:

Bảo đảm an toàn cho tàu không số vào bến, xuất bến

Giữ bí mật tuyệt đối về tuyến đường là yêu cầu quan trọng hàng đầu để duy trì hoạt động chi viện trên biển. Quân khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, lực lượng đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời làm tốt công tác giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ an toàn, bí mật, chống các hoạt động biệt kích, thám báo của địch. Các cơ quan, đơn vị thuộc quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền cho nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tiến hành rà soát các đối tượng, làm trong sạch địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các vùng ven biển, các tàu thuyền qua lại, nhất là ở khu vực có các bến tàu, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch đánh biệt kích, đánh địch đổ bộ đường không. 

leftcenterrightdel
Trung tướng NGUYỄN QUANG NGỌC. 

Cùng với đó, quân và dân Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng rà phá bom, mìn, thủy lôi trên các vùng sông, biển, các luồng lạch, bến cảng, bảo đảm cho tàu nước ngoài chở hàng hóa cập bến và những con tàu không số vào bến, xuất bến an toàn. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại, không quân Mỹ đã sử dụng hơn 50 loại bom, mìn, thủy lôi để phá hủy và phong tỏa nhằm ngăn chặn sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông, biển, phát động toàn dân, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang tham gia chống phong tỏa. Ban Chống phong tỏa với các thành phần của Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Cục Vận tải đường biển đã chỉ đạo sát sao việc chống phong tỏa của địch; tổ chức các đài quan sát, các điểm quan sát ven biển... Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, không quản ngày đêm quan sát, rà phá bom, mìn, thủy lôi bằng cả khí tài và thủ công, đã phá, gỡ, làm mất hiệu lực gần 69.000 quả bom, mìn, thủy lôi của địch trên các luồng vào cảng, các dòng sông và đất liền, kịp thời khai thông luồng lạch, bảo đảm giao thông, góp phần bảo vệ vững chắc hậu phương lớn và chi viện cho Đường Hồ Chí Minh trên biển, kịp thời cho những con tàu không số lên đường chở lực lượng, vũ khí, trang bị chi viện chiến trường miền Nam.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN GẤU, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 9:

Khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển

Sau khi thành lập, Đoàn 759 đã nhanh chóng sắp xếp biên chế lực lượng, vừa mua sắm, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; vừa tổ chức trinh sát, thăm dò luồng lạch, bến bãi, xác định tuyến vận chuyển... Để có đủ căn cứ kết luận chính xác về nơi đặt bến nhận hàng, Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức chuyến trinh sát nghiên cứu các đảo ven biển Tây Nam. Đoàn 759 đã lựa chọn các đồng chí cán bộ, đảng viên trung kiên người Cà Mau, Trà Vinh... có kinh nghiệm đi biển, quen luồng lạch, sông rạch Nam Bộ, từng vượt biển ra Bắc để thành lập Đội Trinh sát. Đồng chí Bông Văn Dĩa, Thuyền trưởng, Bí thư Chi bộ được giao nhiệm vụ trinh sát và báo cáo với Khu ủy Khu 9 về chủ trương đặt bến nhận hàng chi viện từ Bắc vào Nam Bộ của Trung ương.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng NGUYỄN VĂN GẤU. 

Đầu tháng 4-1962, Đội Trinh sát hành quân vào Quảng Bình. Tại đây, đội bí mật, khẩn trương tiến hành các công tác chuẩn bị. Đêm 10-4-1962, chiếc thuyền vỏ gỗ gắn máy cùng các thủy thủ, lặng lẽ rời Nhật Lệ (Quảng Bình) tiến về phía Nam. Đến ngày 18-4-1962, chiếc thuyền trinh sát mở đường vào đến bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Tại đây, đồng chí Bông Văn Dĩa báo cáo với Khu ủy về chủ trương tìm nơi đặt bến và việc tổ chức thành lập bến nhận hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc vận chuyển theo đường biển vào. Từ Cà Mau, Đội Trinh sát tiến hành khảo sát một số đảo. Nhận thấy tình hình đặt bến trung chuyển ở các đảo gặp rất nhiều khó khăn, Đội Trinh sát đã chọn phương án đặt bến tại các cửa sông, rạch Cà Mau-nơi có đủ điều kiện cho tàu có trọng tải 30 tấn trở xuống vào được. Như vậy, phương án đặt bến nhận hàng tại bờ dựa vào các kênh, rạch ven bờ biển Nam Bộ có tán cây che kín đã mở ra khả năng bảo đảm cho việc cập bến của các con tàu diễn ra bí mật, an toàn. Đội Trinh sát báo cáo kết quả khảo sát với Khu ủy và đề nghị cho mở bến tại rạch Vàm Lũng (Cà Mau). Theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, ngày 1-8-1962, tàu trinh sát trở về miền Bắc an toàn. Với kết quả và thắng lợi của chuyến trinh sát, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết “Về vận tải đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam”. Đêm 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 33 tấn vũ khí mang mật danh “Phương Đông 1” do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng đã rời Bến Nghiêng (Hải Phòng), vượt biển vào cửa Bồ Đề (Cà Mau), cập bến Vàm Lũng ngày 19-10-1962 an toàn. Đây là chuyến đi của Đoàn tàu không số có ý nghĩa khai thông tuyến vận tải chiến lược trên biển...

Thiếu tướng CAO PHI HÙNG, Phó tư lệnh Quân khu 5:

Mở bến phù hợp với đặc điểm địa bàn

So với Nam Bộ, đường biển từ miền Bắc vào Quân khu 5 ngắn hơn, thời gian vận chuyển nhanh hơn, bờ biển có nhiều vũng, vịnh. Tuy nhiên, địa hình bờ biển Quân khu 5 lại trống trải; ở những cửa sông lớn, tàu ta có thể cập bến thì địch đã xây dựng đồn bốt; ngoài khơi, lực lượng tàu thuyền, radar, máy bay địch kiểm soát gắt gao. Do đó, việc triển khai đặt bến không có nhiều thuận lợi.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng CAO PHI HÙNG. 

Bộ tư lệnh Hải quân đã phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 5 tổ chức nhiều đội công tác về cùng các địa phương tiến hành khảo sát địa bàn. Qua khảo sát, ta xác định được các bến có thể tiếp nhận hàng: Bến Bình Đào (Quảng Nam), bến Ba Làng An, Đạm Thủy, Đức Phổ (Quảng Ngãi), bến Lộ Diêu (Bình Định), bến Hòn Hèo (Khánh Hòa)... Các bến trên đều là bến ngang, địa hình có nhiều đồi cát hoặc núi đá nhô ra sát biển, có nhiều hang đá tự nhiên dùng làm nơi cất giấu hàng hóa. Địa bàn quanh bến đều có phong trào cách mạng phát triển; hành lang phía sau rộng, thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa lên căn cứ.

Riêng tại Phú Yên, khi nghiên cứu mở bến, có hai phương án về chọn địa điểm được đặt ra: Vịnh Xuân Đài (Sông Cầu), hoặc Vũng Rô (Đông Hòa). Vịnh Xuân Đài có địa thế thuận lợi, nước sâu, tàu thuyền ra vào dễ ẩn nấp. Song, hành lang phía sau lại hẹp; khi ta tổ chức lực lượng lớn dân công, vận chuyển nhiều hàng hóa, rất dễ bị địch phát hiện. Đối với Vũng Rô-vịnh nước sâu, tàu thuyền ra vào không lệ thuộc vào thủy triều, có núi non bao bọc, vùng giải phóng xung quanh rộng, có lực lượng du kích mạnh. Tuy nhiên, Vũng Rô nằm gần Đường số 1 và đường không, là nơi kín gió nên tàu, thuyền của ngư dân thường vào tránh gió và lấy nước ngọt. Việc tàu thuyền vào ra Vũng Rô chỉ qua một cửa duy nhất... Sau khi cân nhắc kỹ mọi điều kiện thuận lợi, khó khăn, lãnh đạo địa phương quyết định chọn mở bến Vũng Rô. Trong điều kiện địch thường xuyên càn quét, kiểm soát địa bàn hết sức gắt gao, việc chọn địa điểm mở bến như trên là rất táo bạo. Lịch sử đã chứng minh, đó là quyết định táo bạo và đúng đắn. Trong hai năm 1964-1965, đã có 4 chuyến tàu vào Vũng Rô thành công...

Thạc sĩ ĐÀO KHÁNH HÀ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng:

"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống

Bến K15, Đồ Sơn (Hải Phòng) luôn tự hào là điểm đầu vững vàng với số lần tàu không số xuất phát vào miền Nam nhiều nhất, cung cấp số lượng lớn vũ khí, hàng hóa để quân và dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Hiện nay, Bến K15 không chỉ là di tích lịch sử mà còn là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang, Đình Kim Sơn, Núi Voi..., Bến K15 được TP Hải Phòng quan tâm tu bổ, tôn tạo trên diện tích hơn 4,5ha, gồm: Bảo tồn chứng tích về Ðoàn tàu không số, quảng trường lớn, đền thờ liệt sĩ, nhà trưng bày, công viên cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Nơi đây, thường xuyên diễn ra các chương trình báo công, biểu dương học sinh tiêu biểu, nơi tổ chức kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú... 

leftcenterrightdel
Thạc sĩ ĐÀO KHÁNH HÀ. 

Trong 4 năm qua, Bến K15 đã tổ chức đón tiếp hơn 22.000 lượt khách trong nước và quốc tế, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Ban quản lý khu di tích cũng có những chương trình liên kết thuyết minh, hướng dẫn, giới thiệu cho một số trường đại học, các trường học trên địa bàn thành phố về ý nghĩa lịch sử, truyền thống đấu tranh anh dũng của người dân Ðồ Sơn nói riêng, người dân Hải Phòng nói chung trong bảo vệ biển, đảo quê hương.

Cách Bến K15 không xa là Bảo tàng Hải quân, nơi trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý về tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong thời gian tới, công tác giáo dục truyền thống nói chung, giáo dục những giá trị tinh thần to lớn của mảnh đất điểm đầu Đường Hồ Chí Minh trên biển nói riêng sẽ tiếp tục được các cấp, ngành TP Hải Phòng quan tâm để những giá trị truyền thống, những bài học kinh nghiệm quý báu về tầm nhìn chiến lược, tư duy sáng tạo của Đảng, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, lòng quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, niềm tin và khát vọng cháy bỏng về độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiếp tục được trao truyền và phát huy. Qua đó góp phần khơi dậy động lực tinh thần, khát vọng xây dựng và phát triển thành phố để những mục tiêu mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sớm trở thành hiện thực.