Những năm tháng đẹp nhất đời người, má đã cống hiến trọn vẹn cho cách mạng. Khi bắt đầu hình thành con đường Hồ Chí Minh trên biển, má đã bán gia tài trị giá hơn 10 cây vàng để mua tàu cho con trai và các chiến sĩ rời bến Lộc An ra Bắc nhận vũ khí vận chuyển vào Nam, tổ chức lực lượng tiếp nhận, cất giấu hàng nghìn tấn vũ khí cung cấp cho các đơn vị đánh giặc.
Tôi được gặp và viết về má trong dịp kỷ niệm nửa thế kỷ Đường Hồ Chí Minh trên biển cách đây 10 năm. Ngày ấy, khi tôi trân quý gọi má là “Bà má huyền thoại”, một cán bộ cao cấp trong quân đội đã gọi điện thoại cho tôi, nói ông đã khóc khi đọc những trang viết về má trên Báo Quân đội nhân dân. Kể từ đó đến ngày má từ trần, tôi có thêm 3 lần nữa đến thăm má ở ngôi nhà nhỏ nép mình dưới hàng phi lao rì rào tại làng chài Phước Hải, xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Khi tôi tặng quà và biếu má một ít tiền, má chỉ xin nhận quà, còn tiền thì nhất định không lấy. Má nói, cả gia tài ngày xưa má còn bán đi để lo cho cách mạng, giờ má không có lý do gì để nhận tiền của con cháu!
 |
Lực lượng tàu đổ bộ Lữ đoàn 125, Vùng 2 (Quân chủng Hải quân) hiệp đồng với các lực lượng diễn tập đổ bộ đường biển. Ảnh: TRỌNG THIẾT |
Từ ngôi nhà nhỏ của má Mười Riều, tôi có thêm một người bạn thân. Đó là PGS, TS Nguyễn Bá Cường, cán bộ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời còn là sinh viên, trong một lần đi dự hội nghị tôn vinh những người có công diễn ra ở Hà Nội, anh được gặp má Mười Riều.
Anh đã rơi nước mắt trước những câu chuyện bình dị mà như huyền thoại của má nên xin được làm con nuôi của má. “Ra Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác Hồ, lại lụm được đứa con nuôi, thiệt là vui quá xá”, má ôm anh, nói vui!
Từ một cậu sinh viên ngày nào, giờ đây, Nguyễn Bá Cường đã là người thầy, nhà khoa học của những thầy giáo tương lai. Anh vẫn thủy chung, tình nghĩa với người mẹ nuôi quá cố. Khi má còn sống, anh thường bay từ Hà Nội vào thăm má. Từ ngày má qua đời, mỗi lần có dịp vào công tác phía Nam, anh đều dành thời gian đến dâng hương, dâng hoa bên mộ má.
Anh biếu tiền má không bao giờ chịu nhận. Má chỉ lấy vài bộ quần áo, hộp sữa, gói bánh. Chúng tôi kết bạn với nhau cũng chính từ tấm lòng bao dung của má, học được ở má lẽ sống, đức hy sinh và một nhân cách bình dị mà vô cùng cao quý...
Thế đấy! Những gì được coi là huyền thoại của dân tộc này hoàn toàn không phải là sự thần thánh hóa hay điều không tưởng từ trên trời rơi xuống, mà nó được kết tinh, tỏa sáng từ những điều bình dị như vậy. Sức mạnh nội sinh của dân tộc cũng từ đó mà ra, mà nhân lên trở thành vĩ đại. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạc vào lịch sử đấu tranh, giải phóng dân tộc một dấu mốc chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng thì những người mẹ chiến sĩ bình dị như má Mười Riều đã tô điểm cho con đường ấy bằng chính những đường nét, sắc màu huyền thoại...
Đó chỉ là một câu chuyện trong hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện cảm động về con đường huyền thoại trên biển. Rất mừng là đã 60 năm trôi qua, thế hệ những người rẽ sóng, vươn khơi trên những con tàu không số đem vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam đánh giặc, đến nay, nhiều người vẫn còn khỏe mạnh. Họ là những pho tư liệu sống tiếp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau. Cuối tháng 9 vừa qua, Đại tá Trần Phong gọi điện thoại cho tôi. Ông nói, mới hoàn thiện tấm bản đồ về Đường Hồ Chí Minh trên biển, tích hợp các thông số, sự kiện, số liệu, nhân vật... vào các vị trí trên bản đồ.
Trưởng thành từ cán bộ tham mưu, từng nhiều năm làm thuyền trưởng tàu không số, trước khi nghỉ hưu là Phó cục trưởng Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân, Đại tá Trần Phong có niềm đam mê với bản đồ. Trong nhà ông ở TP Hồ Chí Minh, một trong những thứ ông có nhiều nhất và yêu quý nhất chính là bản đồ, trong đó có nhiều bản đồ quân sự từ thời chiến tranh mà ông sưu tầm được. Năm nay đã 87 tuổi, Đại tá Trần Phong dành tâm huyết gần một năm trời để nghiên cứu, làm ra tấm bản đồ Đường Hồ Chí Minh trên biển trên cơ sở tích hợp các kỹ thuật tham mưu, kiến thức về lịch sử, quân sự, văn hóa, địa lý... để làm tư liệu giáo dục truyền thống.
2- Có nhà văn đã từng nói: Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.
Trên mặt đất, mặt biển hay trong vũ trụ cũng vậy. Con đường là do con người tạo ra vì những mục đích, mục tiêu khác nhau. Những con đường vận tải chiến lược được mở ra trên đất nước này trong những năm tháng trường kỳ kháng chiến, đều bắt nguồn từ con đường vĩ đại nhất, đó là con đường giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc đã hội tụ ý Đảng, lòng dân trên đất nước hình chữ "S" thành một khối thống nhất nên những con đường cụ thể được tạo ra, dù trải qua biết bao mất mát, hy sinh, nhưng chính mục tiêu cao cả ấy đã giúp chúng ta vượt qua tất cả để chiến thắng.
Hai con đường lớn mang tên vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, bắt đầu từ những bước chân, nhát cuốc, vòng bánh xe lăn đầu tiên dọc dải Trường Sơn hùng vĩ và những chiếc thuyền gỗ đánh cá thô sơ vượt sóng gió trùng khơi, đều ra đời từ khát vọng cháy bỏng mà Bác Hồ kính yêu đã khẳng định: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Tôi có thói quen, trước các sự kiện lớn của lịch sử dân tộc, thường tìm đọc những đánh giá của dư luận quốc tế, kể cả dư luận từ phía bên kia chiến tuyến trong thời kỳ kháng chiến. Ngay trong những giai đoạn nước sôi lửa bỏng của cách mạng, khi chiến trường miền Nam xuất hiện nhiều loại vũ khí hiện đại của Quân Giải phóng, kẻ địch đã nghi ngờ chúng ta có một con đường vận chuyển vũ khí bí mật trên biển.
Chúng đã sử dụng mọi hình thức, biện pháp tình báo, đưa những phương tiện khí tài trinh sát hiện đại nhất vào sử dụng để hòng tìm ra manh mối, nhưng đều bất lực. Giữa Biển Đông nghìn trùng sóng vỗ, hàng vạn phương tiện tàu ghe xuôi ngược, đâu là thuyền đánh cá, đâu là tàu chở vũ khí? Ngay cả khi phát hiện tàu chở vũ khí của quân ta, địch cũng không thể tìm ra chứng cứ, bởi các chiến sĩ sẵn sàng cảm tử, hủy tàu để xóa dấu vết.
Những hành động mà phía địch gọi là “cuồng tín”, “mạo hiểm”, “không tưởng”, “không sao hiểu nổi” v.v.. thực ra đều được các chiến sĩ lên kế hoạch từ trước. Những buổi lễ “truy điệu sống” trước khi lên tàu của hàng nghìn chiến sĩ tàu không số đã chứng minh một chân lý rất đơn giản mà vô cùng vẻ vang, đó là, người chiến sĩ luôn coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Huyền thoại một con đường, huyền thoại một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, huyền thoại của một quân đội, huyền thoại của một đất nước... được viết nên từ những câu chuyện vô cùng giản dị như thế. Giản dị theo cách “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”...
3-Cảng Cát Lái, nơi những con tàu hiện đại của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân thả neo, mùa này nước cuộn sóng đỏ ngầu. Dòng chảy lịch sử đã đưa những chiến sĩ hải quân hôm nay trở thành thế hệ thứ ba, thứ tư của các chiến sĩ tàu không số năm xưa. Những cuộc hành quân về nguồn, gặp gỡ, giao lưu giữa các thế hệ, ông ngồi bên cháu, cháu nghe ông kể chuyện... bao năm nay rồi, trở thành tình cảm gắn bó như trong đại gia đình.
Trong giai đoạn khốc liệt của đại dịch Covid-19, hàng chục con tàu và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 đã tham gia vận chuyển, cung cấp hàng trăm tấn lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong các “vùng đỏ” dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong một lần các chiến sĩ trẻ đến tặng quà hỗ trợ người dân vùng tâm dịch quận 1 đã gặp một người, ông là chiến sĩ tàu không số năm xưa.
Các chiến sĩ lập tức biếu ông hai túi quà, nhưng ông nhẹ nhàng: “Ông chỉ nhận một túi thôi, còn lại để phần cho người khác”. Mấy ông cháu không nói với nhau được nhiều, bởi phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, nhưng chỉ nhìn ánh mắt, cử chỉ là đủ biết, dòng máu Bộ đội Cụ Hồ trong mỗi chiến sĩ, dù ở tuổi nào, ở đâu cũng dậy lên những nhịp đập nhân ái, nhân văn. Sức mạnh nội sinh của Bộ đội Cụ Hồ được sinh ra, nuôi dưỡng và phát triển ngay từ trong trái tim, trong mạch máu chiến sĩ.
Kết thúc nhiệm vụ giúp dân chống dịch, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 trở về đơn vị đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển. Các chiến sĩ trẻ lại có dịp về nguồn. Họ trở lại bến Lộc An, nơi có Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển để tri ân thế hệ cha anh.
Nằm bên cửa sông Ray đổ ra biển, công trình tưởng niệm là sự tập hợp những biểu tượng khái quát, tượng trưng, nghệ thuật hóa, truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường, quả cảm, mưu lược, sáng tạo... của các chiến sĩ mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Cửa sông vẫn đầy, rừng nguyên sinh vẫn xanh và dòng chảy muôn đời chẳng đổi thay. Bên ngoài cửa sông, biển Vũng Tàu bắt đầu vào mùa gió chướng. Ngàn vạn con sóng gối đầu nhau vỗ vào ghềnh đá tung bọt trắng xóa một góc trời tạo nên những mùa hoa sóng đẹp say lòng người. Đã lâu rồi, người chiến sĩ hải quân mới có được thời khắc thảnh thơi ngắm hoa sóng đầu ghềnh trong sắc âm truyền thống...
Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN