Đó là những dòng căn dặn bộ đội công binh (BĐCB) của Bác Hồ khi đến thăm triển lãm công binh năm 1959. Cũng tại đây, Bác còn yêu cầu: “Đối với công binh, khoa học-kỹ thuật là vấn đề lớn, phải hết sức quan tâm và phải nghiên cứu vận dụng khoa học kỹ thuật mới nhất vào phục vụ chiến đấu và xây dựng binh chủng”. Những lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh luôn khắc ghi và cố gắng học tập, làm theo.

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, BĐCB nhiều lần vinh dự được Bác Hồ đến thăm, động viên và khen thưởng. Bác quan tâm từ những việc như bộ đội ăn có đủ no không, dạy cho bộ đội cách đào hầm đến những tư tưởng chỉ đạo mang tính định hướng cho toàn lực lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác từng dạy: “Quân đội ta ví như cây mác, bộ binh như mũi mác, công binh như cán mác. Cán có chắc, mũi có sắc thì mới đâm được giặc”. Từ lời dạy của Người, BĐCB luôn xác định phấn đấu là cái “cán mác” thật khỏe, vững chắc để hỗ trợ cho “mũi mác” sắc nhọn, cùng phát huy hết sức mạnh của mình.   

leftcenterrightdel
Bác Hồ thăm Trung đoàn Công binh 239 và 249 thực hiện nhiệm vụ diễn tập bắc cầu phao qua sông Hồng, năm 1966. Ảnh tư liệu.

Nói về truyền thống “Mở đường thắng lợi”, Thiếu tướng Lê Xuân Cát, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng Công binh cho biết: Trong kháng chiến chống Pháp, khi cấp trên quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, Trung đoàn Công binh 151 tham gia tổ chức bảo đảm cho các lực lượng chiến dịch vượt sông Thao trên các bến: Âu Lâu, Cổ Phúc, Mậu A. Nhiệm vụ này rất quan trọng, khó khăn vì sông rộng, lực lượng qua sông lớn, lại phải bảo đảm bí mật, an toàn. Tiểu đoàn 555 của Trung đoàn Công binh 151 đã đưa hơn 40.000 người, 36 khẩu pháo, 333 lừa, ngựa và hàng trăm tấn trang bị, lương thực, thực phẩm, thuốc men bí mật vượt sông an toàn. Kết thúc Chiến dịch Tây Bắc, BĐCB vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng: "Mở đường thắng lợi". Kể từ đó, bốn chữ vàng này trở thành truyền thống vẻ vang của Binh chủng Công binh. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, BĐCB lại nêu cao khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”. Bao lớp cán bộ, chiến sĩ công binh đã dũng cảm, lao động quên mình, không quản ngày đêm xẻ núi, bạt rừng, bắc cầu, phà, mở đường, rà phá bom, mìn, vật nổ... để bảo đảm giao thông thông suốt cho các lực lượng tiến ra chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vinh dự với BĐCB là được giao trọng trách xây dựng công trình bảo vệ thi hài Bác trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ gìn thi hài của Người lâu dài.

leftcenterrightdel
Bác Hồ thăm triển lãm công binh năm 1959. Ảnh tư liệu.

Thiếu tướng Lê Xuân Cát khẳng định, cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh luôn phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” mà Bác Hồ đã dạy. Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ của Binh chủng Công binh có sự phát triển mới, ngoài nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, binh chủng còn được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng công trình quốc phòng; rà phá bom, mìn; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả sập đổ công trình... BĐCB thường xuyên phải cơ động, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tính chất công việc nguy hiểm, độc hại, thậm chí phải đối mặt với mất mát, hy sinh, song khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, BĐCB luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

NGỌC HÂN