Một sự tình cờ
Cuối năm 1944, ở Đông Dương, phát xít Nhật càng suy yếu. Người Mỹ lúc này muốn xâm nhập Đông Dương để ngăn chặn sự tấn công của Nhật ở phía Nam Trung Quốc và Đông Dương song họ gặp nhiều khó khăn. Lúc này, phong trào Việt Minh ở Cao - Bắc - Lạng phát triển mau chóng. Lãnh tụ Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (tháng 10-1944) tiên đoán: "Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ trong 1 năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”.
Một sự kiện tình cờ xảy ra. Một chiếc máy bay của Mỹ bị trúng đạn Nhật, phi công đã nhảy dù xuống vùng núi gần thị xã Cao Bằng được Việt Minh địa phương cứu. Phi công người Mỹ đó là Trung úy Shaw. Biết tin, Hồ Chí Minh đã lệnh phải bảo vệ an toàn và đưa phi công này tới gặp.
Giữa vùng núi non trùng điệp ở một vùng đất xa xôi, hiểm yếu, sau nhiều ngày câm lặng vì không thể giao tiếp với những người dân tộc thiểu số, Trung úy Shaw vô cùng ngạc nhiên khi được trò chuyện với một ông già bằng tiếng Anh.
Bà Trần Thị Minh Châu cho biết: Ông già còn tặng cho Shaw một tấm lụa trắng thêu dòng chữ tiếng Anh “Chúc mừng khách đến”, một tấm vải đỏ có chữ ký của nhiều hội viên Mặt trận Việt Minh ủng hộ Đồng Minh chống phát xít.
Sau đó, Hồ Chí Minh cho người bảo vệ và đưa Shaw trở lại nơi đóng quân ở Côn Minh (Trung Quốc). Đó là trụ sở phái bộ OSS (Office of Strategic Services) - Cơ quan tình báo chiến lược trong Chiến tranh Thế giới 2 của Mỹ (tiền thân của CIA hiện nay). Shaw đã báo cáo tất cả những gì tai nghe mắt thấy, tất cả sự chăm sóc bảo vệ của Việt Minh cho tướng Chennault.
Sau đó không lâu, Hồ Chí Minh đã trèo đèo lội suối đi bộ hàng nghìn cây số từ Pác Bó đến Côn Minh để gặp tướng Chennault, bàn việc hợp tác Việt Minh đánh Nhật ở Đông Dương.
Qua sự phản ánh riêng của Trung ý Shaw, báo cáo riêng của Bộ tư lệnh và cũng như qua sự tiếp xúc với Bác Hồ, người Mỹ rất vui mừng vì đã nhận được những thông tin hết sức quan trọng về quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương. Ngoài ra, Việt Minh còn giúp đỡ cứu trợ những phi công Mỹ bị nạn và những gì mà Đồng minh yêu cầu.
Về phía mình, Bác Hồ chỉ mong muốn Mỹ giúp đỡ vũ khí, điện đài và giúp đào tạo cán bộ, nhân viên sử dụng vũ khí và điện đài.
Tướng Chennault đã tin cậy đáp ứng yêu cầu của Bác Hồ. Đội Con Nai (The Deer Team) - một toán đặc nhiệm của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS - được cử sang Việt Nam đã có mặt tại Tân Trào. Trong thời gian ở Việt Nam, hợp tác với Việt Minh, những người bạn Mỹ trong Đội Con Nai đã giúp đỡ việc huấn luyện quân sự cho cán bộ Việt Minh ở các khóa học của Trường Quân chính kháng Nhật, viện trợ cho Việt Minh một số vũ khí hiện đại, tham gia đội quân Việt - Mỹ do Đàm Quang Trung làm đội trưởng, Thomas làm đội phó… Đặc biệt, nhiều thành viên Đội Con Nai đã theo Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào đánh quân phát xít Nhật ở thị xã Thái Nguyên, sau đó tiến về Hà Nội. Những hoạt động của Đội Con Nai đã giúp cho quân đội du kích của Việt Minh có những bước trưởng thành về quân sự, những vũ khí viện trợ tuy ít ỏi nhưng cũng đã có tác dụng nhất định thị uy với kẻ thù. Về mặt chính trị, sự xuất hiện của Đội Con Nai bên cạnh Việt Minh đã nâng vị thế của những người du kích Việt Nam trở thành chiến hữu của phe Đồng minh chống phát xít.
|
|
Cựu binh Đội Con Nai vui mừng đón bà Trần Thị Minh Châu sang thăm nước Mỹ (1995). |
“Con nai” ăn con bê
Khi kể chuyện cho chúng tôi nghe, bà Trần Thị Minh Châu đã gần 90 tuổi. Tuổi cao nhưng bà vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn. Bà còn cho biết, cá nhân bà lưu giữ 6 bức thư của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp gửi cho các bạn Mỹ, vì lúc đó bà phụ trách Văn phòng của Ủy ban Giải phóng. Bà kể tiếp:
- Trước ngày 15-7-1945, Bác Hồ giao nhiệm vụ cho chúng tôi chuẩn bị đón đoàn phi công Mỹ nhảy dù xuống Tân Trào gồm sáu người do ông Thomas chỉ huy. Anh em chuẩn bị một bãi nhảy dù trên thửa ruộng tương đối bằng phẳng cách cây đa Tân Trào chừng 200m. Xây dựng lán trại có đủ tiện nghi cần thiết (theo kiểu điều kiện ở trong rừng).
Vào lúc 16 giờ ngày 16-7-1945, máy bay xuất hiện, lượn quanh vùng trời trên thửa ruộng có căng mấy tấm vải trắng làm đích cho phi công. Trong buổi tiếp đón đầu tiên, phi công Mỹ có lẽ chưa quen nhảy dù theo kiểu du kích nên chính chỉ huy Thomas đã rơi dù trên cây đa Tân Trào.
Để chuẩn bị tiếp đoàn Mỹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh dặn những người cộng sự của mình phải làm một bữa mừng bạn mới. Họ cùng nhau chụm đầu lại để bàn bạc và đều thốt lên: Khó quá, ở giữa rừng này làm gì có thực phẩm, bát đĩa không có. Đã chẳng có ai biết nấu cơm Tây, lại còn đãi khách tiệc Tây.
Nhưng Hồ Chí Minh đã giúp họ xử lý những việc đó. Chúng tôi hồi hộp nghe bà Trần Thị Minh Châu kể chuyện.
“Bác biết nỗi lo của chúng tôi. Bác bình tĩnh nói:
- Bí rồi phải không? Vậy hãy làm theo Bác dặn: Cho người sang Định Hoá nhờ Chủ tịch Chanh mua giúp cho con bê đem thui chín vàng, để cả con nằm trên khung tre, hai bên làm dãy ghế ngồi cũng bàng tre. Sắp mỗi người một con dao Mỹ. Sẵn có dao và đĩa muối đĩa gừng, có rượu do đồng bào tự nấu, uống bằng bát to mọi người tự do thích ăn chỗ nào thì tự cắt lấy.
Chúng tôi nhìn nhau ngần ngừ. Bác như đã hiểu. Người giải thích luôn:
- Không có gì ngại. Kể cả Tây và ta, không phải ai cũng được ăn một bữa dân dã trong rừng. Cứ làm đi rồi xem họ có thích không? Còn thú vị lắm nữa kia.
Quả không sai, đoàn Mỹ sau đó rất hài lòng. Họ mừng rỡ. Chúng tôi lại thì thầm với nhau:
- Ông Ké nhà mình thì việc lớn cũng rành, việc nhỏ cũng thạo. Mọi việc đều chu đáo.
Đoàn Mỹ sang Việt Nam chỉ mang theo lương khô. Bác lại bàn:
- Phải lo thực phẩm tươi sống cho họ. Mỹ bây giờ là đồng minh, là bạn của mình, phải chăm lo sức khoẻ cho họ, không thể để họ sống thiếu thốn kham khổ như mình.
Từ đấy cứ cách 2, 3 ngày có một đoàn người vừa gánh vừa khiêng những đậu thịt, rau, trứng, măng… leo qua đèo De luồn rừng hơn 20 cây số sang Tân Trào. Họ vận động dân đi săn thú rừng, vì bạn Mỹ thích ăn thịt thú rừng. Có khi là cả một con dê, hoặc cả một con nai còn nguyên cặp lộc nhung mềm. Không có tủ lạnh để thức ăn dự trữ, nhà bếp có sáng kiến cho thịt vào ống bương to đậy kín thả xuống các giếng đào sâu, chung quanh thành giếng xếp đá phẳng lì. Nước giếng quanh năm lạnh giá, thịt như được ướp đá.
Cả mấy tháng liền dân tiếp tế cho cách mạng trong khi gia đình con cái họ chỉ ăn con cá, con ốc bắt ở suối với lọ măng ngâm ớt.
Trần Thị Minh Châu (1922-2016) quê tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Trước năm 1945, bà đã trải qua các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên… Sau năm 1954, bà có nhiều năm liên tục làm Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Văn hóa (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông). Bà đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. |
Trong hồi ký Tại sao Việt Nam, Đại úy Archimedes L.A. Patti đã kể lại sự kiện Thomas và Montfort nhảy dù xuống Tân Trào như sau:
“Cuối buổi chiều ngày 16 tháng 7, nhóm này được thả dù xuống vùng lân cận làng Kim Lung cách Tuyên Quang khoảng 20 dặm về phía đông. Cuộc thả dù được tiến hành một cách trôi chảy, trừ việc Thomas, Montfort và một lính Mỹ bị rơi một cách không hay vào những ngọn cây và phải nhờ người ta gỡ xuống đất”.
|
KIỀU MAI SƠN