Tham dự diễn đàn có các đồng chí Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình…

Toàn cảnh diễn đàn tại điểm cầu TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Diễn đàn do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức chiều 6-12 tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây 11 tháng đầu năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng tới 28,2% so với cùng kỳ năm 2023, đây là con số kỷ lục cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này. Các loại trái cây chủ lực xuất khẩu, gồm: Sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài…

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NN-PTNT đã đàm phán, mở cửa được thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và trái cây (quả) tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, ớt tươi, thạch đen, khoai lang, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi, chanh.

Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Trần Anh Hùng chia sẻ: Tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc 1,269 triệu ha, sản lượng đạt 1,3887 triệu tấn; Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích lớn nhất cả nước chiếm 31,8%, tiếp đến các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc hiện có khoảng 271,9 nghìn ha, chiếm 21,4% tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc. Chủng loại cây ăn quả của Việt Nam rất đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích), tiếp đến sầu riêng (11,8%), cây có múi gần 15%.

Đối với thị trường xuất khẩu, ông Trần Anh Hùng cho rằng cần tăng cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống; đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU, Trung Đông, Bắc Phi... và đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Du khách tới thăm vườn cam ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình sáng 6-12-2024.

Phát biểu tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng. Các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng (cấp mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc), đóng gói và chế biến đều phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.