Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1254/QĐ-TTg ngày 26-9-2018 về “Phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020”, Tổng cục Hải quan đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xây dựng Đề án kèm Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XNK để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Quang cảnh hội thảo. 

Các đại biểu đã tập trung phân tích những lợi ích của bảo lãnh thông quan đối với cơ quan hải quan, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh bảo hiểm như: Đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, hỗ trợ kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm, rút ngắn thời gian thông quan…

Theo đánh giá của các chuyên gia Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại toàn cầu  (GATF),  tại Hoa Kỳ thì bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%. Hội thảo đã chỉ ra kinh nghiệm của một số quốc gia trong triển khai Hệ thống bảo lãnh thông quan như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Kenya. Trong đó, Hoa Kỳ được xem là có hệ thống bảo lãnh thông quan tiên tiến nhất, không chỉ bảo lãnh về thuế phí mà còn bảo lãnh tất cả các nghĩa vụ chuyên ngành khác liên quan áp dụng trên lô hàng. Theo đó, đối với Việt Nam, để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành 3 giai đoạn: (1) Thí điểm (dự kiến 2 năm 2021-2022); (2) Mở rộng (2022-2023); (3) Chính thức (dự kiến từ 2024). Trong đó, giai đoạn đầu triển khai thí điểm sẽ lựa chọn áp dụng cơ chế bảo lãnh đối với một số loại hình trên cơ sở kế thừa các hình thức bảo lãnh đã được áp dụng và thí điểm áp dụng với một số loại hình mới, mở rộng đối tượng tham gia hoạt động bảo lãnh; giai đoạn mở rộng sẽ triển khai mở rộng các loại hình có thể được áp dụng ngay trong giai đoạn thí điểm hoặc sau khi tổ chức sơ kết, đánh giá hoạt động trong giai đoạn thí điểm; trong giai đoạn chính thức, Nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý và Hệ thống công nghệ thông tin để triển khai chính thức Hệ thống bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa XNK.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc bảo lãnh thông quan được sử dụng trong trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền phải nộp hoặc tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

Tin, ảnh: MAI THU HƯƠNG