Từ ngày 16 đến 17-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Trưởng đoàn Việt Nam đã có chuyến công tác tại Italy tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, theo lời mời của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Antonio Tajani.
Đây là lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tham dự, cho thấy sự đánh giá cao của Italy và các nước G7 đối với vai trò của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển thương mại thế giới.
 |
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP |
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, khi giới thiệu về các nước khách mời cùng tham dự hội nghị, ngài Antonio Tajani giới thiệu Việt Nam là hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế, do vậy có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ về những nỗ lực trong phát triển kinh tế thông qua đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo Iweala cũng nhấn mạnh, Việt Nam cùng một số thành viên đang phát triển khác là một minh chứng cho sự thành công của quá trình hội nhập quốc tế và là một ví dụ thành công điển hình về việc thực thi đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có bài phát biểu tại hội nghị, trong đó tập trung vào những ưu tiên hợp tác với các nước thành viên G7 trên nhiều khía cạnh, như: Đa dạng chuỗi cung ứng; đổi mới công nghệ, chuyển đổi số chuỗi cung ứng... Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp G7 đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định và hiệu quả tại Việt Nam, bởi thành công của các doanh nghiệp cũng là thành công của Việt Nam.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gặp gỡ song phương với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Antonio Tajani; Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala; Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay; Thứ trưởng Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Brazil Márcio Elias Rosa.
TRUNG VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang chịu áp lực lớn để thực hiện cam kết tăng cường nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng trên toàn cầu trong bối cảnh nạn đói ngày càng gia tăng, khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt lan rộng và căng thẳng địa chính trị gây rủi ro về nguồn cung thực phẩm.
Ngày 8-11, kết thúc phiên họp cuối cùng của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), các bên đã nhất trí thông qua tuyên bố chung, trong đó đề cập nhiều nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.