“Đối với một nền kinh tế như Việt Nam, tài trợ quốc tế sẽ chỉ cung cấp một nguồn vốn bổ sung. Hầu hết các nhu cầu đầu tư sẽ phải được đáp ứng bởi các nguồn vốn trong nước. Vì thế, nâng cao năng lực huy động vốn dài hạn của các định chế tài chính trong nước là cốt lõi của quá trình chuyển đổi khí hậu”.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo “Tài chính cho phát triển - vai trò của các định chế tài chính trong nước” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UNDP tổ chức tại Hà Nội, ngày 8-12.
 |
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo. |
Cam kết mang tính bước ngoặt của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là rất táo bạo và có tầm nhìn. Khi đưa ra cam kết này, Chính phủ ghi nhận việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch có thể mang lại những lợi ích kinh tế hữu hình. Hiện nay đã có bằng chứng cho thấy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là bớt đi.
Tuy nhiên, không nên đánh giá thấp quy mô của những thách thức đối với Việt Nam và các nước đang trong hành trình hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”. Việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất điện đến nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và vận tải.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào các nhu cầu tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng. Các ước tính về chi phí khác nhau tùy thuộc vào các giả định được sử dụng khi tính toán. Tuy nhiên, các ước tính thận trọng cho thấy Việt Nam sẽ cần phải huy động thêm từ 15 đến 30 tỷ USD mỗi năm, tức là đầu tư vượt mức đầu tư thông thường để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế cao.
Hệ thống tài chính của Việt Nam đã phát triển và đa dạng hơn, nhưng việc thiếu thị trường thứ cấp sâu rộng và có tính thanh khoản cao đã hạn chế khả năng cung cấp vốn dài hạn. Cần có chính sách phù hợp nhằm gỡ bỏ những trở ngại để tăng nguồn cung cấp tài chính dài hạn trong nước cho quá trình chuyển đổi năng lượng và các mục đích sử dụng khác.
Chương trình chung hỗ trợ Việt Nam xây dựng Khung Tài chính tích hợp có mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững SDGs đến năm 2030. Trong khuôn khổ Chương trình này, UNDP phối hợp với Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thực hiện nghiên cứu “Đánh giá hoạt động các ngân hàng phát triển tại Việt Nam” và “Các thách thức và khuyến nghị để phát triển thị trường vốn tại Việt Nam”. Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các tiền lệ trên toàn cầu và đóng góp tiềm năng của ngân hàng phát triển cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Tin, ảnh: HẢI YẾN
Tối 29-11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng Công ty Visa tổ chức vòng chung kết Chương trình Kỹ năng quản lý tài chính năm 2022 với sự tham gia của 330 sinh viên đến từ 33 trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước.