Chỉ số USD Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt tăng tuần 0,16%, đạt mức 104,28.

Tỷ giá USD trên thế giới trong tuần qua

Trong phiên giao dịch đầu tuần, đồng USD tăng nhẹ 0,02%, đạt mốc 104,13 khi các nhà đầu tư chuẩn bị đón nhận dữ liệu về lạm phát và doanh số bán lẻ của Mỹ trong tuần này, để có thêm manh mối về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

 Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong tuần qua. Ảnh: Marketwatch

Sang ngày 14-2, đồng bạc xanh tăng dựng đứng (tăng 0,68%, đạt mốc 104,86) trong bối cảnh dữ liệu mới công bố cho thấy, lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 1, củng cố kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ổn định trong tháng 3. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,3% trong tháng 1, cao hơn mức dự đoán của các nhà kinh tế là 0,2%. Tuy nhiên, chỉ số DXY ngày 15-2 lại giảm 0,24%, xuống mốc 104,72, qua đó trượt khỏi mức cao nhất trong 3 tháng so với các loại tiền tệ khác, khi các nhà đầu tư củng cố lợi nhuận sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến của Mỹ trong phiên trước đó. Thị trường cũng dự kiến sẽ có khoảng 3 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay.

Đến ngày 16-2, đồng USD giảm phiên thứ hai liên tiếp (giảm 0,44%, xuống mốc 104,28) sau một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ, dẫn đến khả năng khó có thể ngăn cản Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6, lần đầu tiên kể từ đại dịch Covid-19. Cụ thể, dữ liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng 1, thấp hơn nhiều so với mức giảm dự kiến là 0,1% dựa trên cuộc thăm dò của Reuters. Một báo cáo riêng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của tiểu bang đã giảm 8.000 xuống mức 212.000 trong tuần đầu tháng 2. Đây là bằng chứng nữa cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn còn thắt chặt.

Tới ngày giao dịch cuối cùng của tuần, đồng bạc xanh giữ nguyên ở mốc 104,28 giữa lúc xuất hiện những lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ sau khi giá sản xuất cao hơn dự kiến làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ ngừng cắt giảm lãi suất cho đến ít nhất là giữa năm nay. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, giá sản xuất Mỹ đạt mức tăng lớn nhất trong 5 tháng, theo sau báo cáo giá tiêu dùng tháng trước. Tuy nhiên, dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 cho thấy mức giảm mạnh nhất trong 10 tháng. Theo Công cụ FedWatch của CME Group, hợp đồng tương lai của quỹ Fed đã định giá chỉ 10,5% khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 3 và 33,7% khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng 5. Vào đầu năm, tỷ lệ cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 là 79%.

Trong khi đó, đồng euro tăng 0,04%, đạt mức 1,0775 USD, còn đồng yên Nhật suy yếu 0,22% xuống 150,23 yên/USD.

 Tỷ giá USD hôm nay 18-2-2024: Đồng USD tăng nhọc nhằn tuần qua. Ảnh minh họa: Reuters

Tỷ giá USD trong nước hôm nay

Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 18-2, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng tuần 15 đồng, hiện ở mức 23.971 đồng.

* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.119 đồng.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá USD

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

24.310 đồng

24.680 đồng

Vietinbank

24.320 đồng

24.740 đồng

BIDV

24.365 đồng

24.675 đồng

* Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 24.512 đồng – 27.093 đồng.

Tỷ giá Euro tại các ngân hàng thương mại mua vào và bán ra như sau:

Tỷ giá Euro

Mua vào

Bán ra

Vietcombank

25.696 đồng

27.106 đồng

Vietinbank

25.788 đồng

27.078 đồng

BIDV

25.977 đồng

27.112 đồng

MINH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.