Theo đánh giá của giới chuyên môn, từ nay đến cuối năm sức ép lên tỷ giá vẫn còn. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tỷ giá của Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như giá cả các loại hàng hóa cơ bản, như giá dầu có xu hướng tăng bởi tình hình bất ổn tại Trung Đông.

leftcenterrightdel

Tỷ giá sẽ gặp áp lực vào cuối năm, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Yếu tố nữa là sự chênh lệch giữa lãi suất giữa VND và USD. Ngân hàng Nhà nước cũng đang cố gắng giảm chênh lệch lãi suất thông qua phát hành tín phiếu hút tiền về. Giải pháp này cũng đã phát huy hiệu quả, nhưng chênh lệch lãi suất vẫn còn. Nhu cầu nhập hàng nhiều vào cuối năm để phục vụ sản xuất kinh doanh dịp lễ, Tết cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

Do đó, sức ép lên tỷ giá những tháng cuối năm là khá lớn nhưng áp lực này, theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân chủ yếu do yếu tố mùa vụ nhiều hơn nên phải chấp nhận mức độ giảm giá VND tương đối trong ngắn hạn.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân nhận định thêm, năm 2023, tỷ giá không phải là vấn đề quan ngại đối với nền kinh tế. Với diễn biến thị trường như hiện nay, dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá tăng thêm 1-2% và cả năm có thể tăng 4-5%, thậm chí có nhỉnh hơn một chút cũng không sao. Bởi so với nhiều nước đồng nội tệ của họ mất giá lên đến 2 con số thì tỷ giá VND/USD duy trì ở mức trên là một thành công lớn đối với Việt Nam.

Cũng có ý kiến lo ngại về tỷ giá nhảy múa, song Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, thị trường phải chấp nhận có lúc lên, lúc xuống. Nếu để "cứng đơ" thì không còn là kinh tế thị trường và cũng không thể có sự bất biến trong tỷ giá. Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá.

Theo Vietnam+

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.