leftcenterrightdel
Hàng hóa dồi dào, đa dạng chủng loại tại Siêu thị Big C, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. 

9 giờ sáng 28-1 (tức mồng 7 Tết Quý Mão 2023), tại Siêu thị Big C, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, người dân đến mua hàng hóa thiết yếu đông, nhưng siêu thị vẫn đảm bảo nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Mua 2 kg bắp cải trắng, 4 gói cải thìa và 1kg thịt lợn, bà Vũ Thị Chín, ngụ phường 7, quận Gò Vấp, cho biết: "Hàng hóa đa dạng, dồi dào, thỏa sức mua, giá cả ổn định như những ngày thường mà tôi thường mua, như bắp cải trắng 11.500 đồng/kg; thịt lợn 95.000 đồng/kg…".

leftcenterrightdel
Người dân thỏa thích chọn hàng hóa sau dịp Tết Quý Mão. 

Anh Bùi Công Tuân, ngụ phường 3, quận Gò Vấp, lao động tự do, nói: "Giá cả ổn định, phù hợp với khả năng chi tiêu của người lao động nên tôi tranh thủ mua 1 thùng mỳ tôm hảo hảo chỉ 99.000 đồng/thùng và 1 thùng sữa tươi Vinamilk cũng chỉ 299.000 đồng/thùng để phục vụ sinh hoạt gia đình thời gian tới".

Trước và sau Tết, các đơn vị, doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết hơn 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nguyên đán năm 2022 và bảo đảm nguồn hàng hóa gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Thành phố cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở thêm các cửa hàng, điểm bán hàng hóa bình ổn phục vụ người dân, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư đông. Đến nay, thành phố đã có hơn 10.000 điểm bán hàng hóa bình ổn phục vụ người dân tại khắp các địa bàn thành phố, trong đó lượng hàng bình ổn chiếm từ 25- 43% nhu cầu thị trường.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, các chương trình bảo đảm hàng hóa, bình ổn thị trường được thành phố triển khai từ giữa năm 2022. Bên cạnh triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ thể, Sở chú ý tăng cường phối hợp với các ban, ngành kiểm tra, giám sát kịp thời khắc phục hạn chế; bảo đảm chất lượng hàng hóa, niêm yết, công khai giá cả, bình ổn thị trường, bảo đảm đời sống nhân dân và an sinh xã hội.

Tin, ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN