Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 chủ trì tọa đàm.
 |
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm. |
Tham dự có các đồng chí lãnh đạo các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành thuộc tiểu vùng Nam Trung bộ; một số thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; cùng một số chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu ảnh hưởng tàn phá nặng nề từ chiến tranh, của thiên tai bão lụt nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Vì vậy, ngày 16-8-2004, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW). Sau đó, ngày 02-8-2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 39.
Đối với tiểu vùng Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có diện tích khoảng 21.523,4 km2; dân số khoảng 3,95 triệu người, chiếm khoảng gần 4% dân số cả nước, mật độ dân số khoảng 186 người/km2. Tiểu vùng có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng với quần đảo Trường Sa và thềm lục địa rộng lớn; có nhiều eo, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải với kết cấu hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi gồm 2 sân bay, một số cảng, đường sắt, đường bộ Bắc - Nam đi qua, gần TP Hồ Chí Minh và là cửa ngõ của Tây Nguyên ra Biển Đông.
Tiểu vùng Nam Trung bộ có điều kiện phát triển các Khu Kinh tế biển như Vân Phong, Nam Phú Yên… gắn với phát triển công nghiệp cơ khí đóng tàu, sản xuất vật liệu xây dựng, khí cụ điện, công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, dệt, đường và các ngành công nghiệp nhẹ khác; phát triển khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm sú; có điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống các âu thuyền và cầu tàu ở các vùng cửa sông và đảo nhỏ ven bờ; là khu vực có thế mạnh về du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa dân tộc gắn với phát triển các đô thị ven biển như TP Tuy Hòa (Phú Yên), TP Nha Trang (Khánh Hòa), TP Phan Thiết (Bình Thuận)…
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới” nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới, phù hợp với thực trạng phát triển các địa phương trong tiểu vùng và bối cảnh, tình hình mới.
Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ nói riêng và vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung.
Tin, ảnh: VŨ DUY HIỂN