Tổ chức các hoạt động để kích cầu du lịch

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa vừa phối hợp với Hãng hàng không Vietjet tổ chức đón chuyến bay thương mại đầu tiên chở 153 hành khách du lịch từ Seoul (Hàn Quốc) đến Nha Trang (Khánh Hòa), đánh dấu sự trở lại của du khách, sau hai năm ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó, máy bay được chào đón bằng nghi thức phun vòi rồng, còn hành khách được tặng hoa, quà kỷ niệm thể hiện sự mến khách của địa phương. Việc làm này chỉ là một trong rất nhiều hoạt động, tạo được điểm nhấn quan trọng, nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch.

Nếu như 3 tháng đầu năm 2022, Khánh Hòa đón khoảng 254.000 lượt du khách đến lưu trú, tham quan, nghỉ dưỡng, thì chỉ riêng dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, tổng lượng khách tham quan nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa trong 4 ngày nghỉ lễ đã đạt khoảng 275.500 lượt khách. Tuy vậy, công suất hoạt động của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, phòng lưu trú mới chỉ đạt xấp xỉ 87,5%. Bên cạnh đó, còn không ít cơ sở lưu trú vẫn chưa mở cửa do lo ngại về lượng khách chưa ổn định. Điều đó cho thấy, việc phục hồi du lịch của Khánh Hòa đã có bước tăng tốc đáng kể, song so với tiềm năng còn chưa tương xứng.

leftcenterrightdel
Đông đảo du khách xem múa Chăm tại tháp bà Ponagar. 

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao năm 2022 và triển khai các cơ quan, ban ngành bắt tay ngay vào việc thực hiện. Nổi bật là nhóm sự kiện “Chương trình văn hóa nghệ thuật, du lịch và thể thao năm 2022 với chủ đề “Điểm đến an toàn-Nha Trang biển gọi”, “Nha Trang-Chào hè 2022” với nhiều sự kiện nổi bật như: Liên hoan du lịch biển; Cuộc thi hoa hậu du lịch biển; lễ hội cà phê; các sự kiện thể thao như giải bóng đá, giải cầu mây bãi biển quốc gia và giải marathon... hứa hẹn mang đến bầu không khí sôi động, ý nghĩa.

Đồng hành với các lễ hội tại TP Nha Trang, sẽ có nhiều hoạt động diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh như: Lễ hội ẩm thực, lễ hội trái cây, biểu diễn nghệ thuật tuồng và dân ca bài chòi... Song song với đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo các cơ quan, địa phương tiến hành nhiều nhiệm vụ đáp ứng sự phát triển của các loại hình du lịch như: Khảo sát hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tại Cam Ranh để phục vụ du lịch; triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở Khánh Vĩnh, Ninh Hòa; khảo sát, trải nghiệm loại hình du lịch Trekking (đi bộ đường dài) tại Cao nguyên Tà Giang, Khánh Sơn.

Quyết liệt tạo môi trường thân thiện

Buổi biểu diễn vở tuồng “Hoài Văn Hầu bóp nát quả cam”, trong chương trình nghệ thuật đường phố “Nha Trang vào hạ” tại Quảng trường 2-4 (Nha Trang), do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tổ chức giữa tháng 5 thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch đến thưởng thức. Chị Trần Thanh Huyền-một du khách ở phường Trường Thi (Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Những chương trình nghệ thuật đường phố tạo cảm giác gần gũi, hấp dẫn. Gia đình tôi dự định chỉ xem qua, song cách diễn xuất khá cuốn hút nên xem đến khi chương trình kết thúc. Ngoài ra, cách tổ chức biểu diễn ngoài trời cũng tạo không gian rộng rãi để người xem vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa đón nhận không khí mát lành từ gió biển vào”.

Trò chuyện với nhiều du khách, chúng tôi nhận thấy, họ đều có cảm nhận chung khi đến với Khánh Hòa, đó là môi trường trong lành, con người thân thiện, dễ mến. Điều này sẽ là cơ hội để giữ chân du khách. Bởi con người là yếu tố quyết định bảo đảm chất lượng phục vụ du lịch, tạo cho du khách sự tin tưởng, yên tâm khi đặt chân đến nghỉ dưỡng, khám phá.

Tuy nhiên, khi hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại, đã có một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của địa phương. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho rằng, một số vụ việc, hành vi kinh doanh “chặt chém”, “chèn ép” khách hàng còn xảy ra. Để xử lý nghiêm và dứt điểm vấn đề này, Sở Du lịch sẽ đề nghị Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh tổ chức hội thảo bàn giải pháp quản lý chung, hạn chế thấp nhất tình trạng “chặt chém”, “chèn ép” du khách, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, hình ảnh du lịch của địa phương.

“Các cơ quan nhà nước đã có những chính sách, chung tay cùng các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu du lịch Nha Trang-Khánh Hòa đến ngày hôm nay là quá trình rất dày công, khổ luyện và đầu tư rất lớn. Thế nhưng, chỉ vì một số hành vi nhỏ mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch cùng các cơ quan báo chí, truyền thông hãy chung tay đấu tranh, phê phán, xử lý nghiêm đối với hành vi này”, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thanh bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ nhiều giải pháp mà địa phương đang thực hiện nhằm triển khai và chuẩn bị tốt nhất cho Chương trình văn hóa, du lịch, thể thao năm 2022 đang diễn ra. Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan; bố trí bộ phận thường trực hỗ trợ khách du lịch tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, công bố số điện thoại đường đây nóng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp liên quan biết để cùng giải quyết; bảo đảm tốt tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, kích cầu thu hút khách du lịch với các hình thức và chủ đề thích hợp, chú trọng nâng cao tính liên tục, đa dạng, chuyên nghiệp và hiệu quả, ứng dụng các công nghệ 4.0 theo xu hướng của thế giới.

Thực hiện quyết liệt các vấn đề này, Khánh Hòa mong muốn giới thiệu đến nhân dân và du khách hình ảnh Nha Trang-Khánh Hòa là điểm đến an toàn, một vùng đất đầy năng động, thân thiện, mến khách, tích cực phát triển và hội nhập bằng chính những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam nói chung và của Khánh Hòa nói riêng.

Khánh Hòa đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ đón hơn 1,2 triệu lượt khách (khách nội địa hơn 1,16 triệu; khách quốc tế hơn 40.000 lượt). Doanh thu du lịch dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,8 tỷ USD), đóng góp trực tiếp vào GRDP từ 15 đến 17%; tạo việc làm cho hơn 160.000 lao động trực tiếp trong du lịch.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN