Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, cần quyết liệt hơn nữa, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao số vốn đầu tư công kỷ lục, bằng cả nhiệm kỳ trước cộng lại.

Không còn tình trạng ùn tắc đăng kiểm

Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ đã đưa vào khai thác sử dụng các đoạn: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; đang tổ chức triển khai thi công các gói thầu thuộc giai đoạn 2021-2025 của dự án bám sát kế hoạch. Cùng với đó là các dự án trong lĩnh vực hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải.

Bên cạnh đó, đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công một số dự án vào cuối năm 2023: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; cầu Đại Ngãi; đường Hòa Liên - Túy Loan. Tính đến ngày 30-6-2023, Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân khoảng 35.600 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 37% kế hoạch vốn được giao.

leftcenterrightdel

Quang cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: TẠ HẢI 

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan quyết liệt triển khai thực hiện theo kế hoạch được chấp thuận. Trong đó, với gói thầu nhà ga hành khách, đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chủ động và chịu trách nhiệm xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian thi công gói thầu, thời gian lựa chọn nhà thầu.

Liên quan đến công tác đăng kiểm, đến nay, hầu hết các trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng ùn tắc và đã trở lại hoạt động bình thường, năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư 32-45%. Hà Nội hiện có 27 đơn vị hoạt động với 45 dây chuyền và năng lực thực tế 2.700 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.610 xe, đạt 60% năng lực. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 đơn vị hoạt động với 33 dây chuyền và năng lực thực tế là 1.980 xe/ngày, trong khi số lượng xe vào kiểm định là 1.355 xe, đạt 68% năng lực.

Đối với công tác quy hoạch, trên cơ sở tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, 5/5 quy hoạch ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Giao thông vận tải cũng luôn quan tâm chỉ đạo rà soát điều chỉnh, bổ sung, thay thế các văn bản không còn phù hợp.

Về công tác vận tải, trọng tâm là siết chặt quản lý vận tải kết hợp bảo đảm an toàn giao thông, bình ổn giá cước, ngăn chặn tình trạng tăng giá vé sai quy định; nâng cao tinh thần, trách nhiệm, đạo đức trong quá trình thực thi công vụ; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt hơn 1,1 tỷ tấn, tăng 15,9%; vận chuyển hành khách ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, thời gian qua, vận tải hành khách và hàng hóa đạt tăng trưởng 2 con số. Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các cơ quan cần tập trung tái cơ cấu vận tải, trọng tâm là nguồn hàng và vận tải đa phương thức.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thi công các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm của ngành. Trong đó tập trung khởi công 16 dự án, hoàn thành, đưa vào khai thác 19 dự án, đặc biệt là các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư bám sát công trường, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực và tranh thủ thời tiết để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án theo đúng yêu cầu đề ra; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền. Điều chuyển các dự án giải ngân chậm để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch Chính phủ giao.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TẠ HẢI

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, mặt bằng chung 6 tháng đầu năm Bộ Giao thông vận tải giải ngân vốn đầu tư công đạt 37% là tốt nhưng 6 tháng còn lại phải hoàn thành 63% là cả vấn đề bởi số vốn được giao rất lớn, hơn 94.000 tỷ đồng, bằng cả nhiệm kỳ trước cộng lại. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu phải quyết liệt, tranh thủ từng giây, từng phút để đạt hiệu quả giải ngân. Tập trung tối đa cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh hơn nữa đi hiện trường và làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu. Đồng thời, cần có chế tài xử lý với các chủ đầu tư/ban quản lý dự án giải ngân không đạt yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu sớm trình đề án thu phí đường bộ cao tốc do ngân sách Nhà nước đầu tư; xử lý tồn tại bất cập của các dự án BOT. Quan tâm đến đầu tư các trạm dừng nghỉ trên cao tốc.

Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam triển khai các giải pháp đồng bộ, tăng cường phòng chống tham nhũng tiêu cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Các sở giao thông vận tải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm hoạt động vận tải, tăng cường quản lý vận tải bằng xe buýt, xe hợp đồng, taxi...

MẠNH HƯNG