Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường nội địa đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019 và chỉ riêng tháng 4-2022, thị trường hàng không nội địa đã đạt 3,6 triệu khách, tăng 19% so với tháng 4-2019. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của thị trường quốc tế vẫn còn hạn chế, 4 tháng đầu năm 2022 mới đạt khoảng gần 7% cùng kỳ 2019 và cả năm 2022 dự kiến chỉ đạt gần 1/3 so với năm 2019.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, ngành hàng không đang đứng trước cơ hội để phục hồi và phát triển do có nhiều yếu tố thuận lợi: sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước sẽ khuyến khích nhu cầu đi lại bằng đường hàng không; du lịch Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ; các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giá trị cao, sử dụng đường hàng không tiếp tục tăng trưởng.

Quang cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cũng cảnh báo một số ảnh hưởng tiêu cực mà ngành hàng không phải đối mặt. Trong đó, giá dầu tăng mạnh làm cho chi phí nhiên liệu của các hãng hàng không tăng lên; kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; chính sách tiền tệ được thắt chặt để ứng phó với lạm phát cao...

Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, ngành hàng không, với vai trò là ngành tiên phong trong tiến trình tự do hóa đời sống kinh tế thế giới, trở thành phương tiện hữu hiệu nhất để Việt Nam mở toang cánh cửa với thế giới, kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị và việc phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi toàn diện kinh tế xã hội của Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

 Trong giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không, ví dụ như giảm giá dịch vụ chuyên, phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ tái cấp vốn cho Hãng hàng không quốc gia Việt Nam... Bên cạnh đó, theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, doanh nghiệp hàng không có thể được hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022-2023 thông qua các ngân hàng thương mại và tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho năm 2022.

 Ngành hàng không cần được tiếp sức để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ảnh: VŨ PHONG

Để các doanh nghiệp hàng không sớm phục hồi và phát triển thì việc có một nguồn vốn, dòng tiền bền vững là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp một đề xuất cũng rất đáng lưu tâm của hiệp hội doanh nghiệp hàng không là đề nghị Chính phủ xem xét các gói hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp hàng không như cho vay với lãi suất 0%, thời hạn tối đa 3 năm hay bảo lãnh cho doanh nghiệp được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị, sự hỗ trợ của Nhà nước cần được duy trì tới khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn, đặc biệt, là các hoạt động quảng bá để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, nhà đầu tư, mở rộng chuỗi cung ứng.

 Để ngành hàng không vượt qua những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Chính phủ cần xây dựng một đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không (gồm cả các hãng bay và doanh nghiệp khai thác cảng hàng không), giải quyết được khó khăn đặt ra từ bối cảnh quốc tế và do các vấn đề tái cơ cấu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cần phối hợp rà soát lại cơ chế chính sách đã áp dụng và những bất cập để trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có giải pháp hỗ trợ ngành hàng không phát triển trong tình hình mới, với tư cách là ngành đột phá để khôi phục kinh tế.

MẠNH HƯNG