Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư tại các địa phương và ACV đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.
Hoàn thiện hệ thống giao thông
 |
Ông Lại Xuân Thanh. |
Phóng viên (PV): ACV vừa khởi công dự án Cảng hàng không Điện Biên. Việc triển khai dự án này sẽ có tác động như thế nào đến tỉnh Điện Biên nói riêng cũng như khu vực Tây Bắc nói chung, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: Những hạng mục quan trọng nhất của Cảng hàng không Điện Biên là xây dựng mới toàn bộ khu bay, xoay trục để có thể kéo dài đường cất-hạ cánh, đáp ứng cho việc tiếp thu được các máy bay cỡ lớn như A320, A321. Qua đó giúp kết nối các tuyến bay xa trong nội địa và tiến tới cả quốc tế. Đồng thời cải tạo đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay, cải tạo nhà ga để nâng công suất từ 300.000 lượt khách/năm hiện nay lên 500.000 lượt khách/năm.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ có thêm nhà ga mới để công suất đạt 2 triệu lượt khách/năm. Việc đầu tư cải tạo sân bay giúp giảm gánh nặng cho hệ thống đường bộ, tạo điều kiện cho đi lại của người dân, khách du lịch, thúc đẩy giao thương, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế-xã hội và đưa Điện Biên hòa nhập nhanh hơn với cộng đồng quốc tế, hàng hóa dễ dàng tỏa đi các khu vực trong nước và quốc tế.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 1.500 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng công trình và 1.500 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Tuy tổng mức đầu tư không quá cao nhưng đây là dự án mang ý nghĩa lớn, tạo tiền đề cho các dự án phát triển hạ tầng khác và thu hút nhà đầu tư vào những dự án lớn tại Điện Biên với các lĩnh vực như khách sạn, nghỉ dưỡng, sản xuất, kinh doanh...
PV: Các địa phương đã hỗ trợ như thế nào cho ACV trong quá trình đầu tư hạ tầng hàng không trên địa bàn, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: Hiện nay, ACV được giao nhiệm vụ triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng phát triển cảng hàng không. Các dự án do ACV đang thực hiện đều nhận được sự ủng hộ và vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Ví như tại Điện Biên, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, tỉnh đã triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng, tách thành dự án riêng. Tỉnh đã "thắt lưng buộc bụng", dành kinh phí, dồn sức cho giải phóng mặt bằng bởi chỉ có hoàn thành công tác này thì dự án đầu tư xây dựng mới thực hiện được, từ đó mới tiếp tục thu hút được nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện dự án.
 |
Thi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: BẢO LINH |
Đáp ứng đủ vốn cho dự án sân bay Long Thành
PV: Ông có thể cho biết tiến độ triển khai hiện tại của dự án Cảng HKQT Long Thành?
Ông Lại Xuân Thanh: Hiện nay, dự án đã được bàn giao 1.613,6/1.810ha đất thi công của giai đoạn 1 và 497/722ha thuộc khu vực dự trữ đất cho giai đoạn 2. Phần đất quan trọng nhất cho hạng mục nhà ga đã được bàn giao, bảo đảm cho việc triển khai xây dựng. Sau khi khởi công, dự án đã thực hiện các hạng mục như rà phá bom, mìn, xây dựng hàng rào và đang tiến hành hạng mục san lấp mặt bằng, hệ thống móng cọc của nhà ga. Tiếp theo, trong năm nay sẽ triển khai xây dựng các hạng mục chính khác, trong đó có khu bay. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, chúng tôi đang phấn đấu để đưa Cảng HKQT Long Thành vào khai thác trước ngày 2-9-2025, rút ngắn tiến độ so với chỉ tiêu được Quốc hội thông qua là tháng 12-2025.
PV: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành hàng không gặp nhiều khó khăn. Với tình hình đó, ACV sẽ có giải pháp gì để bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho dự án Cảng HKQT Long Thành?
Ông Lại Xuân Thanh: Hai năm vừa qua, ngành hàng không gặp nhiều khó khăn, doanh thu của ACV cũng sụt giảm nghiêm trọng mặc dù vẫn cố gắng bảo đảm có lợi nhuận, ảnh hưởng đến tích lũy nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặt ra bài toán rất lớn cho tổng công ty trong việc cân đối nguồn lực tài chính cho đầu tư dự án đối với các công trình thuộc nhiệm vụ của doanh nghiệp khai thác cảng.
Với dự án Cảng HKQT Long Thành, ACV bảo đảm nguồn vốn tham gia không có gì thay đổi so với báo cáo khả thi đã được Quốc hội thông qua. Nguồn vốn trực tiếp của ACV cho dự án vẫn giữ tối thiểu là 36.000 tỷ đồng, còn lại là vốn vay thương mại. Hiện nay, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đồng ý chủ trương vay vốn bằng đồng USD từ các ngân hàng trong nước cho dự án và đang xây dựng phương án chi tiết.
ACV cân đối lại, tập trung nguồn lực thực hiện 6 dự án trọng điểm gồm: Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1; Nhà ga T2 Cảng HKQT Phú Bài (Thừa Thiên Huế); mở rộng, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên; Nhà ga T3 Cảng HKQT Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà ga T2 Cảng HKQT Nội Bài; Nhà ga T2 Cảng HKQT Cát Bi và các nhà ga hàng hóa, sân đỗ máy bay, các hạng mục cấp thiết, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không và các dự án thuộc nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.
Các dự án khác, ACV báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho giãn sang giai đoạn sau năm 2025 hoặc đề nghị Bộ Giao thông vận tải huy động nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật, trong đó có hình thức đối tác công-tư (PPP). Với chính sách của Nhà nước mở rộng kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư hệ thống các cảng hàng không, về tổng thể vĩ mô không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư phát triển theo quy hoạch mạng cảng hàng không đã được phê duyệt.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
MẠNH HƯNG (thực hiện)