Ngày 17-12, tại Đồng Tháp đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Thảo luận tại hội thảo các đại biểu cho rằng, thực tế hoạt động khoa học và công nghệ của ngành cá tra đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng là đòn bẩy, động lực thúc đẩy, chìa khóa giúp ngành cá tra vững bước phát triển và vươn xa trong thời gian qua.
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ đã được áp dụng trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản, quy trình nuôi, quan trắc môi trường, chế biến và quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm.
 |
Quang cảnh hội thảo.
|
Điển hình trong ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi trồng, chế biến cá tra phải kể đến như: Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc với ứng dụng công nghệ cao trong nghiên cứu quy trình chọn lọc đàn cá tra bố mẹ đến sản xuất cá tra giống nhằm tạo ra con giống chất lượng; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn trong chế biến phụ phẩm các sản phẩm giá trị gia tăng collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra; Công ty Cổ phần Nam Việt ứng dụng công nghệ cao trong nuôi cá tra thương phẩm, Công ty Pharma Việt Nam sản xuất vắc xin phòng bệnh...
 |
Các đại biểu ký kết bản ghi nhớ của nhóm công tác ngành hàng cá tra thuộc Nhóm Đối tác công tác Công tư (PPP) ngành thủy sản. |
Dù có sự phát triển mạnh, tuy nhiên việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành hàng cá tra chưa chuyên sâu, đồng bộ. Phần lớn hộ chăn nuôi vẫn thiếu công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm khiến năng lực cạnh tranh của sản phẩm cá tra hiện còn thiếu tính bền vững, không ổn định. Do đó cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình nuôi cá tra an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh như VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP; mỗi doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc chọn, lai tạo con giống mới...
Tại hội thảo, các đại biểu đã ký kết bản ghi nhớ của nhóm công tác ngành hàng cá tra thuộc Nhóm Đối tác công tác Công tư (PPP) ngành Thủy sản.
Tin, ảnh: THÚY AN
Những năm gần đây khi tỷ lệ xuất khẩu cá tra tăng cao thì chất lượng con giống cũng ngày càng được quan tâm. Từ năm 2009 đến nay, nhiều đề tài khoa học và công nghệ, đề án nâng cao chất lượng cá tra giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng như các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai thực hiện.
Ngày 25-2, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022.