Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới đã trình bày những kết quả ban đầu của nghiên cứu về quá trình đô thị hóa của Việt Nam, những thách thức phía trước và gợi ý chính sách về con đường đô thị hóa mới.

Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, quá trình đô thị hóa là quá trình thúc đẩy, cơ cấu cho phát triển. Thách thức thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị hóa đặt ra nhiều nội dung và đậm nét hơn so với trước đây. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về thúc đẩy nhanh vai trò đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển tại thời điểm này là rất hữu ích.

TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo. 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, cơ cấu đô thị hóa và công nghiệp hóa của Việt Nam gồm hai cấp: Cấp cao hơn gồm Hà Nội và Đồng bằng Sông Hồng, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; Cấp thấp hơn là các vùng ngoài 2 vùng kinh tế trên. Năng suất của các vùng cấp 1 cao hơn so với vùng cấp 2 khoảng 60-70%.

Ông Zhiyu Jerry Chen, chuyên gia cao cấp về đô thị, đại diện nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết, trong quá trình nghiên cứu đô thị hóa, nhóm đặt ra 2 câu hỏi rộng, nhưng rất quan trọng. Đó là quá trình đô thị hóa của Việt Nam hiện nay có phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu và chuyển đổi nông thôn - thành thị hay không? Hay như mô hình và tốc độ đô thị hóa có tác động thế nào đối với tăng trưởng, công bằng và bền vững cũng như làm thế nào để cải thiện quá trình đô thị hóa và quản lý đô thị hóa? Ông Zhiyu Jerry Chen khẳng định: Việt Nam phải “chuyển đổi” tiến trình đô thị hóa nhằm thu hẹp khoảng cách để đạt được quỹ đạo tăng trưởng cao hơn.

Toàn cảnh hội thảo. 

TS Vũ Viết Ngoạn, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện thúc đẩy đô thị hóa. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không được nhầm lẫn rằng phát triển và mở rộng đô thị sẽ phát triển kinh tế vì phát triển kinh tế và đô thị phải luôn song hành với nhau. Phải định dạng vấn đề này trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và có giải pháp để giảm bớt chênh lệch giữa các vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời phải làm rõ mối quan hệ phát triển công nghiệp giữa các vùng khác nhau”.

Tin, ảnh: PHƯƠNG ANH