Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Dự tại đầu cầu các địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố và lãnh đạo ngành NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị sáng 29-12 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản... Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân và những đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép; vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2021 trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát trong phạm vi cả nước, ngành nông nghiệp vẫn vượt quá khó khăn, không chỉ đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân trong nước và đồng thời xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cũng tăng rất mạnh. Trong thành tích chung về phát triển nền kinh tế của đất nước có đóng góp rất quan trọng của ngành nông nghiệp. Xuất khẩu của ngành nông nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân, thậm chí một số nông dân đã làm giàu được từ bàn tay, khối óc của mình. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp vẫn tồn tại không ít bất cập, hạn chế: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành nông nghiệp. Phát triển chưa bền vững chưa gắn được với chuyển đổi số, chưa đi vào chiều sâu, thích ứng linh hoạt với diễn biến mới. Công nghệ sau thu hoạch, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa thực sự được chú trọng, thị trường xuất khẩu chưa đa dạng... Một số sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu mang tầm quốc tế. Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách mang tính đột phá để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Năm 2022, dự báo vừa có thuận lợi, khó khăn và thách thức, do đó, ngành nông nghiệp cần xác định rõ để có giải pháp thích ứng phù hợp. Đổi mới tư duy, nâng tầm dự báo chiến lược, đổi mới sáng tạo để mang lại giá trị gia tăng cao hơn từ các sản phẩm nông nghiệp.

Năm 2022, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp đạt trên 3%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 50 tỷ USD. Cùng với đó, Bộ cần phải coi trọng xây dựng chiến lược và quy hoạch để ngành nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, dựa vào ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với việc gắn trách nhiệm của mỗi cá nhân; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm của ngành nông nghiệp, để khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tập trung đầu tư vào chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung đẩy mạnh thực hiện ứng dụng chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong năm 2022. Quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số khi có những khó khăn, vướng mắc và nguồn lực vượt thẩm quyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo ngay để Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ kịp thời tháo gỡ. Thủ tướng nhấn mạnh tất cả các giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu của ngành nông nghiệp trong năm 2022 cũng như trong thời gian tới đều nhằm tới mục tiêu lớn nhất, bao trùm là nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM