Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) chia sẻ: Ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ của Việt Nam hiện đã trở thành một ngành phát triển năng động nhất hiện nay. Sự năng động thể hiện qua các chỉ số như kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng hằng năm, thường ở mức hai con số.

Sản xuất đồ gỗ của một doanh nghiệp ở thành phố Hải Phòng.

Từ một ngành hàng gần như không có tên trên bản đồ xuất khẩu của thế giới, đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định mình trên bản đồ xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản trên thế giới. Cách đây hơn chục năm, khó ai có thể hình dung có một ngày, sản xuất, chế biến đồ gỗ của Việt Nam lại trở thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành nông nghiệp khi kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt tới 13,8 tỷ USD. Đồ gỗ Việt vươn lên từ vô danh đến "chàng tí hon", rồi nhanh chóng trở thành "người khổng lồ" trong sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu trên thế giới. Điển hình như Công ty Cổ phần Xây dựng kiến trúc AA thiết kế, lắp đặt đồ gỗ cho khách sạn Park Hyatt Saigon, khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay, nhà hàng Mezz, lắp đặt nội thất cho phòng hạng nhất của hãng hàng không 5 sao Emirates. Thành công của công ty AA giờ đây không chỉ là một thương hiệu hàng đầu tại thị trường đồ gỗ Việt Nam mà còn được bạn bè thế giới biết đến. Những khách hàng khó tính nhất cũng phải ấn tượng với bề dày kinh nghiệm về sản xuất xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ đạt chất lượng hoàn hảo, độ tinh tế cao và sử dụng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. 

Đồ gỗ Việt giờ đã có mặt tại những khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên thế giới như: Rosewood Phnom Penh Hotel, Park Hyatt St.Kitts & Nevis, Fairmont grand Kiev, Ritz-Carlton Key Biscayne Hotel, The Watergate Hotel...

Năm 2021, mặc dù chịu tác động không nhỏ do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát từ ngày 27-4 (đến tháng 7, 8, 9 thì tác động đến sản xuất, chuỗi cung ứng sản xuất đồ gỗ), nhưng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ vẫn gây bất ngờ đối với không ít chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ vì những dự báo không mấy lạc quan trước đó về ngành hàng này. Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản (chủ yếu sản phẩm đồ gỗ) 11 tháng năm 2021 ở nước ta vẫn đạt khoảng 14,3 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2020. Điều đáng nói là trong thành tích xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản liên tục giữ vai trò “át chủ bài” về xuất khẩu của ngành nông nghiệp, khi đạt mức thặng dư thương mại nhóm hàng này từ 5 đến 8 tỷ USD/năm. Nhờ đó góp phần giúp ngành nông nghiệp nước ta nhiều năm xuất siêu và khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. 

Việt Nam hiện đang đứng đầu ASEAN, đứng thứ hai châu Á, nằm trong top 5 nước trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản. Vì thế mà năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Chúng ta hình thành được hệ thống doanh nghiệp cả trong nước và doanh nghiệp FDI, đủ sức phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến lâm nghiệp. Cách đây 10 năm, không ai dám nghĩ Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt hơn 10 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu đạt 20 tỷ USD gỗ, sản phẩm gỗ, lâm sản là trong tầm tay, thậm chí còn có thể cao hơn nữa.

Trong thành công của ngành sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu phải kể tới sự đóng góp từ chính nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng (rừng sản xuất) trong nước. Năm 2020, khai thác gỗ đạt khoảng 30 triệu m3, trong đó: Rừng trồng tập trung 20,5 triệu m3; gỗ cây vườn nhà, cây phân tán, gỗ cao su khoảng 9,5 triệu m3, đáp ứng 75% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Năm 2021, khai thác gỗ rừng trồng tập trung khoảng 21 triệu m3.

Việc chủ động được nguồn nguyên liệu gỗ trong nước không chỉ giúp tiêu thụ gỗ rừng trồng cho người dân, giảm giá thành sản xuất, việc sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước còn góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu của sản phẩm gỗ Việt trên trường quốc tế. Đặc biệt, khi Việt Nam-EU đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản) và mới đây, Việt Nam-Mỹ đã đàm phán thành công, khép lại vụ điều tra theo Mục 301 của Chính phủ Mỹ về khai thác và thương mại gỗ của Việt Nam, cho thấy Việt Nam quyết tâm phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, xây dựng ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ có trách nhiệm, nói "không" với nguồn gốc gỗ bất hợp pháp, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM