Do vậy, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại các nghị quyết, chỉ thị, công điện về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

leftcenterrightdel

Tập trung cao độ trong tháng cuối giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: TTXVN 

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần; đánh giá khả năng thực hiện trong năm 2023 (số vốn phải kéo dài, số vốn sẽ bị hủy).

Bộ Tài chính cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương làm rõ lý do, trách nhiệm trong việc đề xuất việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm sau nhưng khả năng giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao, cần sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt từ các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện thi công các dự án đầu tư công; phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công…

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.