Hội nghị tập huấn nhằm cung cấp thông tin cho các phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn báo chí, tăng cường tuyên truyền về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các chính sách mới nhất của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Quang cảnh hội nghị tập huấn. 

Tại hội nghị tập huấn, các phóng viên, biên tập viên chuyên trách đã được nghe các diễn giả đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày những nội dung cơ bản về Hiệp định RCEP mà doanh nghiệp cần biết; dự báo một số tác động của Hiệp định RCEP đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam; Quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP; một số nội dung về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, dịch vụ tài chính và thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại của Việt Nam để thực hiện Hiệp định RCEP.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012. Cuối năm 2019, Ấn Độ đã rút khỏi các cuộc đàm phán Hiệp định RCEP. Hiệp định RCEP được ký kết tháng 11-2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan và có hiệu lực từ tháng 1-2022. Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD (tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu), trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Vì vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Tin, ảnh: HOÀNG VŨ