Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang dần khẳng định vị trí quan trọng và là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, giữ vững chuỗi cung ứng, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra 2 năm vừa qua.

Các địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của TMĐT để chủ động phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người dân địa phương. Các sản phẩm như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), mận tam hoa Bắc Hà (Lào Cai), bí xanh thơm của tỉnh Bắc Kạn... được chào bán ở những vị trí ưu tiên trên những sàn thương mại điện tử có uy tín như Alibaba, Vỏ sò, Postmart, Lazada,…

leftcenterrightdel

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Đến nay, việc tiêu thụ nông sản thông qua các sàn thương mại điện tử đã đem lại một số kết quả nhưng so với tổng nhu cầu tiêu thụ nông sản thì kênh tiêu thụ này mới chỉ bắt đầu và chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bên cạnh đó, đối với các hộ sản xuất, kinh doanh hay thậm chí là doanh nghiệp thuộc khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thương mại điện tử vẫn là một kênh phân phối khá mới mẻ.

Theo ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cơ hội của phát triển nông sản ở trên các sàn TMĐT là rất lớn, đồng thời việc hầu hết các sàn của Việt Nam đều nằm trong top 10 sàn lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Trong 10 sàn lớn nhất Đông Nam Á thì chúng ta có 7 sàn đang có mặt tại Việt Nam. Điều đó là một cơ hội rất thuận lợi cho bà con nông dân cũng như những sản phẩm của các vùng miền đặc trưng.

Bước đầu thành công trong việc đưa hàng nông sản lên sàn TMĐT, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hồng Xuân (Lục Ngạn, Bắc Giang) chia sẻ, đòi hỏi của người tiêu dùng với chất lượng, nguồn gốc sản phẩm rất khắt khe. Do đó, ngoài việc cải tiến chất lượng, mẫu mã, doanh nghiệp, hợp tác xã cần thay đổi cách bán hàng. Hợp tác xã đã tuyển lao động trẻ có trình độ khoa học kỹ thuật tốt hơn, biết chụp ảnh, đưa lên mạng, giao tiếp với khách hàng qua mạng; cải thiện hệ thống logistic, vận chuyển…

Qua ý kiến chia sẻ tại tọa đàm cho thấy, thời gian tới, để có thể phát triển hơn nữa việc tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua các kênh TMĐT, bên sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương cũng như các doanh nghiệp cần có những giải pháp đồng bộ hơn về mặt tổ chức công nghệ, nguồn nhân lực, xây dựng vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung làm cơ sở cho phát triển sản phẩm hàng hóa tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường cũng như là quy định của các sàn TMĐT.

Tin, ảnh: VŨ DUNG