Sau 67 giờ, với năng suất làm hàng 136 container/giờ, 15.615 TEU (trong đó sản lượng container nhập là 8.367 TEU và sản lượng xuất lên tàu là 7.248 TEU) đã được xếp dỡ an toàn. Trước đó, ngày 10-6, TCIT đã thiết lập kỷ lục xếp dỡ trên tàu mẹ với tổng sản lượng container là 14,235 TEU. Để thực hiện được kỷ lục này, cán bộ, nhân viên, người lao động TCIT đã bố trí trang thiết bị, sắp xếp bãi cũng như phân bổ nhân lực làm việc ngày đêm đáp ứng quá trình làm hàng thông suốt mà vẫn đảm bảo thời gian cập cảng, rời cảng cho tàu theo lịch trình; đồng thời thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì mức tăng trưởng kinh tế.

Tàu Monaco Bridge cập càng TCIT.

Ông Akira Kurita, Tổng giám đốc cảng TCIT cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, dự kiến sản lượng thông qua tại TCIT đạt 1,1 triệu TEU, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 42% thị phần khu vực Cái Mép - Thị Vải; cảng đã tiếp nhận thêm 3 tuyến dịch vụ mới, nâng tổng số tuyến dịch vụ quốc tế tại cảng TCIT lên 11 tuyến, kết nối với Bắc Mỹ, châu Âu, nội Á…; khẳng định năng lực của cảng container nước sâu lớn nhất Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Hoạt động xếp hàng từ cảng lên tàu Monaco Bridge 

Thời gian tới, cảng TCIT tiếp tục mở rộng hợp tác, tăng tốc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng sức cạnh tranh, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo sự tin tưởng của các hãng tàu, khách hàng khi tiếp tục chọn cảng TCIT là điểm đến tin cậy về chất lượng dịch vụ, năng lực tiếp nhận những tuyến dịch vụ với sản lượng lớn nhất Việt Nam.

Tin, ảnh: PHẠM CÔNG HOAN