Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật Quản lý nợ công: Khắc phục tồn tại, vướng mắc, thiếu đồng bộ, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Quản lý nợ công hiện nay và đảm bảo tính khả thi, ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Hoàn thiện chính sách đảm bảo đồng bộ giữa chính sách quản lý nợ công với chính sách tài khóa, tiền tệ và đầu tư công; huy động vốn đầy đủ, kịp thời cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an toàn, bền vững nợ công; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; tạo điều kiện thực hiện quản lý nợ chủ động. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong công tác quản lý nợ công; gắn trách nhiệm giải trình theo chức năng nhiệm vụ được giao từ huy động, phân bổ, quản lý sử dụng và trả nợ công. Giảm thiểu các nội dung cần hướng dẫn để thực hiện sau khi ban hành Luật; đảm bảo cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ kiểm tra, đánh giá cho mọi đối tượng áp dụng luật. Tiếp cận có chọn lọc thông lệ tốt của quốc tế phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: Trong luật này cần phải làm rõ và bám sát vào một số vấn đề để chúng ta thiết kế các quy định cho phù hợp. Vì dân ta vẫn thường nói, vay ai, vay bao nhiêu, chi vào cái gì, vào thời điểm nào, tính toán hiệu quả ra sao và phải tính được hậu quả chúng ta vay và chi tiêu ra sao. Chỗ này hệ thống pháp luật của chúng ta đang rất thiếu. Có thể một khoản nợ nhỏ nhưng không đủ khả năng trả, hoặc là bảo lãnh tràn lan, bảo lãnh đến mức độ không trả được nợ nữa thì đẩy hết lên Chính phủ. Như thế mới nảy sinh nhiều vấn đề.
Định nghĩa về nợ ở Khoản 12, 13 của Điều 3 và diễn biến trình bày các khoản nợ phân loại nợ ở Điều 4 Điểm B của Khoản 2, có điểm chồng lấn. Nợ Chính phủ trong đó có các khoản nợ đã vay của nước ngoài. Bây giờ khoản nợ vay của nước ngoài lại dùng để cho địa phương vay lại. Như vậy cũng tính khoản nợ của địa phương là nợ của chính quyền còn bên trên là nợ Chính phủ. Vậy thì có phải tính hai lần không. Chỗ này về mặt nghiệp vụ thì không bàn nhưng nói về khía cạnh ngôn ngữ và khái niệm thì có cái gì đó chồng lên nhau. Trong Điều 5 nêu nguyên tắc thứ nhất không ổn, Nhà nước quản lý thống nhất toàn diện nợ công, đảm bảo đúng trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý nợ công. Đã là nợ công thì Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) đồng ý với cách tiếp cận của Chính phủ, phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật không tính khoản tự vay trả của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việc DNNN và các đơn vị công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Điều này phù hợp với cách tiếp cận đang triển khai ở luật doanh nghiệp và các luật khác. Tuy nhiên, phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật bỏ qua rủi ro phát sinh từ các đơn vị sử dụng vốn ngân sách ngoài Chính phủ và các quỹ bảo hiểm xã hội. Điểm này còn có sự chưa tương đồng giữa các quy định về cách tính nợ công của Việt Nam với chuẩn mực quốc tế. Về điều hành, cần có những con số dự báo rủi ro đặc biệt đối với quỹ bảo hiểm xã hội. Cần xây dựng khung thống kê về nợ công ròng thay vì tổng nợ công dựa trên chuẩn mực Việt Nam và phù hợp với công ước quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát rủi ro nợ công và các tiêu chí về nợ công cho Việt Nam dựa trên so sánh tương quan với các nước phát triển tương đương.
“Về trách nhiệm của người đứng đầu, dự thảo quy định nhiều nội dung mới liên quan đến quản lý cho vay lại các vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quản lý bảo lãnh Chính phủ, song chưa quy định rõ trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, không hiệu quả, vay lại song không có khả năng trả nợ. Cần nghiên cứu bổ sung điểm này trong dự thảo luật”, đại biểu Tô Thị Bích Châu kiến nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Trong luật này gạt hẳn nợ doanh nghiệp Nhà nước ra theo nghĩa là tự vay tự trả. Cách xử lý như vậy quá đơn giản nên đề nghị phải có cách xử lý khác. Về nguyên nhân nợ công tăng cao trong báo cáo này xem nhẹ nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tham nhũng và lãng phí là nguyên nhân rất lớn của việc nợ công tăng cao.
“Tôi cho rằng, nợ doanh nghiệp Nhà nước phải có xử lý, trong xử lý này có 2 cách: Thiết kế quy định bảo đảm phải chặt chẽ hơn. Tôi thấy thiết kế bảo lãnh và cho vay lại quá đơn giản. Trong quản lý nợ công phải đưa vào trách nhiệm quản lý nợ của doanh nghiệp Nhà nước, nợ doanh nghiệp Nhà nước nếu tự vay, tự trả thì không lọt vào nợ công nhưng phải đưa vào báo cáo nợ công để theo dõi và giám sát”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.
Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN