Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định chủ trương: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, tập trung thực hiện giải pháp xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử.

Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và trong các cơ quan nhà nước. Thực hiện thắng lợi đột phá này sẽ góp phần quan trọng đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp.

leftcenterrightdel

Ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo. 

 

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn không ít những tồn tại thể hiện ở một số điểm, như: Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ; việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; hạ tầng vật lý chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng các phương thức quản lý thông minh.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng cơ sở dữ liệu dùng chung quốc gia còn chậm được triển khai; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán, thiếu, chưa được chuẩn hóa và đồng bộ; hạ tầng thanh toán số chưa đồng bộ, chưa tận dụng được các hạ tầng chung, độ phủ chưa lớn; hạ tầng điện phục vụ cho hạ tầng viễn thông còn có những điểm chưa đáp ứng được yêu cầu...

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo.

Ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) kiến nghị giải pháp phát triển hạ tầng số bằng cách đẩy mạnh áp dụng mô hình điện toán đám mây; ưu tiên sử dụng các giải pháp hạ tầng số được các đơn vị trong nước phát triển; lựa chọn doanh nghiệp triển khai hạ tầng số có uy tín, kinh nghiệm và có nhiều nguồn lực.

Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hạ tầng, thiết bị phục vụ triển khai; xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số thật cụ thể.

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến, hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới để phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở đó, Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 2022.

Tin, ảnh: LA DUY