Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nhấn mạnh: “Hiện nay, TP Buôn Ma Thuột đang xây dựng Đề án phát triển thương hiệu TP Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, đây là công việc chưa có tiền lệ ở địa phương nào và là nhiệm vụ quan trọng, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung, TP Buôn Ma Thuột nói riêng”.

Do đó, theo ông Vũ Văn Hưng, hội thảo này nhằm tìm kiếm các ý tưởng đặc sắc, mới lạ, khác biệt thuộc nhiều lĩnh vực: Kinh tế, nông nghiệp, chế biến, không gian kiến trúc, bảo tồn văn hóa… để xây dựng thành phố cà phê, là điểm đến của những người yêu mến và trải nghiệm về cà phê. Từ đó, TP Buôn Ma Thuột sẽ cụ thể hóa những giải pháp mang tính thiết thực, chính sách có tính đột phá, đề ra các tầm nhìn chiến lược để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, kinh doanh. Đồng thời xây dựng Buôn Ma Thuột có tính khác biệt trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc…

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THANH NGA 

Theo Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cây cà phê không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn về văn hóa và du lịch đối với TP Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố cà phê của thế giới” thì còn nhiều việc phải làm, trong đó xây dựng Đề án “Phát triển thương hiệu TP Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia, đồng hành kết nối với sản phẩm cà phê, đề ra các tầm nhìn chiến lược để Buôn Ma Thuột trở thành một trong những trung tâm cà phê của thế giới, một điểm đến của các nhà đầu tư và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là nhiệm vụ cần thiết và có ý nghĩa to lớn, mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Tại hội thảo, các đại biểu còn thảo luận, đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê và phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột; thảo luận về thực trạng hoạt động du lịch, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với thương hiệu cà phê; về quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật kết nối liên vùng theo định hướng xây dựng thương hiệu “Thành phố cà phê”. Đồng thời định hướng phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với di tích quốc gia, phù hợp với các nguồn lực và có tính khả thi cao; đề xuất các mô hình tiên tiến về công nghệ và tài chính đối với TP Buôn Ma Thuột…

LÊ HIẾU