Tham dự chương trình làm việc có Phó tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh và lãnh đạo Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Kiểm toán nhà nước.
Về phía Kiểm toán nhà nước khu vực XII có Kiểm toán trưởng Phạm Văn Học, các Phó kiểm toán trưởng và toàn thể cán bộ chủ chốt của đơn vị.
Theo báo cáo của Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực XII, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và thường xuyên của Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, sự quan tâm phối hợp của các đơn vị tham mưu và các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước trên các mặt công tác; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh trên địa bàn được giao phụ trách.
Về theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với các Báo cáo kiểm toán phát hành năm 2023 (đến thời điểm ngày 15-8-2024), theo số liệu các địa phương báo cáo là 64,7% (tổng số kiến nghị 1.125,7 tỷ đồng, thực hiện 728,59 tỷ đồng), tỷ lệ thực hiện đã đủ bằng chứng, đã được đơn vị cập nhật phần mềm thực hiện kiến nghị kiểm toán là 50,06% (tổng số kiến nghị 1.125,7 tỷ đồng, số kiến nghị thực hiện đã đủ bằng chứng 569,67 tỷ đồng).
Lũy kế kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đến ngày 15-8-2024 là 12.236 tỷ đồng (xử lý tài chính 10.499 tỷ đồng; kiến nghị khác 1.737 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 87,0% tổng số kiến nghị đủ bằng chứng.
Ông Phạm Văn Học cho biết, trong 5 tháng còn lại của năm 2024, Kiểm toán nhà nước khu vực XII tiếp tục triển khai, thực hiện 4 cuộc kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước giao; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ.
|
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết: Lãnh đạo ngành vừa ký ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, sắp tới sẽ ký ban hành 43 chuẩn mực kiểm toán. Như vậy, toàn bộ khung pháp lý của ngành cơ bản đã hoàn thiện.
“Trong thời gian tới, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề chất lượng và đạo đức công vụ, có như vậy mới nâng được vị thế của ngành xứng đáng là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thời gian qua, không ai có thể phủ nhận được vai trò, vị trí của Kiểm toán nhà nước, đặc biệt là thông qua các hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa”, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tin, ảnh: QUỲNH ANH