Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cùng nhau chia sẻ, thảo luận và đề xuất các giải pháp chính sách nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh ở cấp tỉnh hiệu quả. 

leftcenterrightdel
Quang cảnh tại buổi hội thảo. 

Theo đó, kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia bao gồm 4 chủ đề chính, với 12 nhóm hoạt động và 66 hoạt động cụ thể; trong đó có 23 hoạt động ưu tiên; đồng thời, rà soát điều chỉnh các quy hoạch phát triển 7 ngành: năng lượng; công nghiệp; nông lâm thủy sản; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên – môi trường, khoa học- công nghệ theo định hướng tăng trưởng xanh. Đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng 40 tỉnh/thành phố có kế hoạch tăng trưởng xanh cấp tỉnh. 

Tại hội thảo, TS. Trần Đại Nghĩa, Trưởng bộ môn Nghiên cứu kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn cho biết, nhận thức về lồng ghép hành động tăng trưởng xanh trong kế hoạch của các tỉnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn có sự chồng chéo và thiếu kết hợp giữa các bên liên quan, thiếu nguồn lực triển khai, còn làm một cách hình thức, làm kiểu dự án… 

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bà Nguyễn thị Kim Dung, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, cần đảm bảo tính khả thi về tài chính, năng lực thực hiện, chú trọng đến tính đa mục tiêu, liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực, có sự tham gia của cộng đồng. 

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để tìm ra các điểm tiếp cận đầu vào cho việc lồng ghép tăng trưởng xanh cần lưu ý tính nhất quán của quá trình xây dựng quy hoạch, chiến lược và kế hoạch hành động; khả năng tham gia của các bên liên quan, cơ chế phối kết hợp cho quá trình xây dựng và triển khai; các hoạt động ưu tiên nâng cao năng lực chống chịu, các bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính…

Tin, ảnh: VIỆT CƯỜNG