Tại buổi họp báo, trả lời vấn đề điều hành thị trường xăng dầu và giá cả của hàng hóa để kiểm soát lạm phát, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, về nguồn cung, tuy trong nước sản xuất đáp ứng được 70% đến 75% nhu cầu, nhưng hiện tại do tình hình khó khăn, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã giảm công suất từ 100% xuống 80% và hiện đang hoạt động ở mức 55-60% công suất. Vì vậy việc giao hàng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2-2022 bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng/tháng khoảng 43% (kế hoạch là 680.000m3, thực tế giao khoảng 390.000m3), trong đó xăng giảm 18% và dầu diesel giảm 57%. Bộ Công Thương dự kiến trong tháng 3 sẽ cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo tăng nhập khẩu bù đắp thiếu hụt, giao 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhất để nhập khẩu, góp phần bảo đảm đủ xăng dầu nội địa. Bộ cũng sẽ hỗ trợ về thủ tục nhập khẩu nhanh nhất cho các doanh nghiệp.

Theo quy định trước đây, 15 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, nhưng hiện nay đã giảm xuống là 10 ngày, tuy nhiên nếu giá xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá. Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết  Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ họp bàn, sau đó báo cáo Thủ tướng.

 Quang cảnh họp báo

Về việc điều chỉnh thuế môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin: Mức thuế môi trường giảm cao nhất là 1.000 đồng, thấp nhất là 500 đồng/lít, trong đó mức giảm cao nhất 1.000 đồng với xăng (từ 4.000 xuống 3.000 đồng); mức giảm 500 đồng/lít áp dụng với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… đồng nghĩa với giá xăng sẽ giảm tương ứng 1.000 đồng/lít, dầu giảm 500 đồng/lít. Với nhiên liệu bay, mức thu thuế bảo vệ môi trường sẽ giữ như mức đang áp dụng theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian áp dụng được Bộ Tài chính cho hay sẽ kéo dài đến hết ngày 31-12-2022, thời điểm bắt đầu áp dụng là từ ngày 1-4 tới.

Đánh giá tác động của việc giảm thuế, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, giả định sản lượng tiêu thụ xăng dầu năm 2022 tương đương năm 2019, thì số thu thuế bảo vệ môi trường giảm 14.524 tỷ đồng, tác động giảm thu Ngân sách Nhà nước gồm cả thuế VAT là gần 16.000 tỷ đồng, thu ngân sách trung bình 1 tháng giảm 1.331 tỷ đồng. Nếu áp dụng chính sách này từ 1-4-2022 thì giảm thu ngân sách gần 12.000 tỷ đồng, giúp giảm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 0,6 - 0,7%.

Tin, ảnh: LÊ HIẾU