Giá xăng dầu thế giới

Giá “vàng đen” đã biến động ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Bắt đầu tuần trong sắc đỏ ngập trản bởi sự mạnh lên của đồng USD, nhưng giá dầu đã nhanh chóng quay đầu tăng tốc trong khoảng 4 USD bởi khả năng OPEC+ cắt giảm sản lượng tháng 10 và tình hình bất ổn ở Libya.

 Giá dầu trượt dài khỏi mốc 3 con số. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu đã kéo dài mức tăng của tuần trước đó. Theo Sugandha Sachdeva, Phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Religare Broking, sự “leo dốc” của giá dầu chịu tác động bởi kỳ vọng OPEC và các đồng minh sẽ cắt giảm sản lượng để cân bằng thị trường trước khả năng hồi sinh của thỏa thuận hạt nhân Iran.

Chuỗi tăng của giá “vàng đen” đã bị đứt tại phiên giao dịch tiếp theo. Giá dầu giảm gần 6 USD, mức giảm mạnh nhất trong khoảng một tháng qua, do lo ngại nhu cầu nhiên liệu có thể giảm khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát gia tăng.

Nhà hoạch định chính sách của Estonia Madis Muller cho biết, tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản sẽ là một trong số các lựa chọn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại cuộc họp chính sách tháng 9 này.

Trong khi đó, lạm phát của Đức trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong nửa thế kỷ qua. Ngân hàng Trung ương Hungary cũng đã tăng lãi suất cơ bản thêm 100 điểm cơ bản lên 11,75%.

Lo ngại kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại cùng với những hạn chế Covid-19 mới của Trung Quốc đã đẩy giá “vàng đen” trượt dài trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 và phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9.  

Nhà phân tích Norbert Rucker của Julius Baer nhận xét nhu cầu dầu của phương Tây cũng như của Trung Quốc đang đình trệ, trong khi nguồn cung đang tăng dần, phần lớn là do sự bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ.

Thêm vào đó trong tháng 8, hoạt động của các nhà máy ở châu Á đã sụt giảm và áp lực chi phí tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đang làm mờ đi triển vọng phục hồi mong manh của khu vực.

 Giá "vàng đen" sẽ tiếp tục biến động trong tuần tới. Ảnh minh họa: Businesstoday

Kỳ vọng OPEC+ sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào đầu tuần tới (5-9) và dữ liệu việc làm của Mỹ tăng, tăng trưởng tiền lương giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn, cùng với việc các bộ trưởng tài chính G7 đồng ý áp giá trần đối với dầu của Nga là những yếu tố khiến giá dầu “leo dốc” tại phiên giao dịch kết thúc tuần. Tuy nhiên, giá dầu chỉ tăng nhẹ không đủ để bù lại mức trượt giá của các phiên giao dịch trước đó. Tuần này, cả dầu Brent và WTI đều trải nghiệm một tuần giảm giá, với Brent giảm 7,9%, WTI giảm 6,7%.

Những hạn chế Covid-19 của Trung Quốc, sự biến động của đồng bạc xanh, quyết định về sản lượng của OPEC+ và nhiều yếu tố khác nữa sẽ “đè nặng” lên giá dầu, khiến “vàng đen” tiếp tục biến động trong tuần tới.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4-9 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.725 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.669 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.759 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.056 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ diều hành giá ngày 5-9 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Dự kiến giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh giảm bởi thời gian qua, giá xăng dầu trên thế giới liên tục “hạ nhiệt”.

MAI HƯƠNG