Giá dầu thế giới

Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã trái chiều 2 phiên, cùng giảm 2 phiên và tăng 1 phiên.

Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã tăng vọt, chạm mức cao nhất trong vòng 7 tuần bởi sự lạc quan về khả năng phục hồi nhu cầu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, giá dầu đã không thể giữ được đà tăng mà giảm về cuối phiên khi các nhà đầu tư chốt lời.

leftcenterrightdel
Giá xăng dầu trải nghiệm tuần trái chiều đầu tiên trong năm. Ảnh minh họa: Oilprice 

Trong phiên này, giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất 89,09 USD/thùng kể từ ngày 1-12-2022, trong khi giá dầu WTI chạm 82,64 USD/thùng - mức cao nhất kể từ ngày 5-12-2022. Kết thúc phiên, giá dầu Brent và WTI ở trạng thái trái chiều với dầu Brent tăng nhẹ, dầu WTI giảm nhẹ.

Giá dầu đã lao dốc ở phiên giao dịch kế tiếp. Giá dầu Brent đã giảm 2,3% và giá dầu WTI giảm 1,8% khi dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 1 giảm tháng thứ 7 liên tiếp làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Sự giảm của giá dầu còn chịu tác động bởi số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy các kho dự trữ dầu thô của nước này đã được bổ sung thêm khoảng 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 20-1.

Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này tăng ít hơn dự kiến, trái ngược với dữ liệu kinh tế yếu trước đó đã giữ cho giá dầu dịch chuyển nhẹ với Brent giảm 1 cent, WTI tăng 2 cent ở phiên giao dịch thứ ba của tuần. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của nước này tuần trước tăng 533.000 thùng lên 448,5 triệu thùng. Mặc dù con số này thấp hơn so với dự báo tăng 1 triệu thùng, EIA cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6-2021.

Dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ cùng kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng khi Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế đã tiếp sức cho giá dầu tăng tốc khoảng 2% trong phiên giao dịch thứ tư của tuần.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội nước này tăng với tốc độ hàng năm là 2,9% trong quý IV năm ngoái. Còn theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 6.000, xuống mức 186.000.

leftcenterrightdel
 Giá xăng dầu tuần tới sẽ biến động theo quyết định của OPEC+ và Fed. Ảnh minh họa: Reuters

Việc nền kinh tế Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh sẽ tạo tiền đề cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục quan điểm diều hâu của mình và củng cố kỳ vọng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, cả dầu Brent và WTI đều giảm. Dầu Brent dừng lại ở 86,66 USD/thùng, dầu WTI ở mức 79,68 USD/thùng.

Tuần sau, OPEC+ sẽ nhóm họp và quyết định chính sách sản lượng. Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ điều chỉnh lãi suất. Đây sẽ là những yếu tố tác động đến sự biến động của giá dầu trong tuần tới.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 29-1 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.352 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.155 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.634 đồng/lít; dầu hỏa không quá 21.809 đồng/lít và dầu mazut không quá 13.633 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương vào ngày 1-2. Dự kiến giá có thể tăng mạnh tới 2.000 đồng/lít (kg). Giá sẽ tăng ít hơn nếu liên bộ chi quỹ bình ổn.

MAI HƯƠNG