Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu đã có thêm một tuần đầy biến động với nửa đầu tuần ảm đạm, ngập trong sắc đỏ. “Vàng đen” sau đó đã lội ngược dòng, lấy lại được phần nào mức “lỗ” trước đó.
Sự lao dốc của giá dầu chịu tác động bởi dữ liệu kinh tế yếu ở Trung Quốc. Theo Reuters, giá dầu thô WTI và Brent đã giảm trong khoảng 3%, có thời điểm giảm tới hơn 5%, tại phiên giao dịch mở đầu tuần khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay để kích cầu.
 |
Giá dầu có 1 tuần lao dốc. Ảnh minh họa: Reuters |
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy sản lượng của các nhà máy lọc dầu của nước này đã giảm xuống còn 12,53 triệu thùng/ngày. Sản lượng công nghiệp tăng 3,8%, thấp hơn so với 3,9% của tháng 6 và kỳ vọng 4,6% của các nhà phân tích. Doanh số bán lẻ cũng chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 5% và mức tăng 3,1% của tháng 6. Đồng nhân dân tệ cũng suy yếu so với đồng USD.
“Vàng đen” đã trượt giá thêm khoảng 3% trong phiên giao dịch tiếp theo bởi các dữ liệu kinh tế như tỷ lệ thế chấp và giá vật liệu xây dựng cao khiến ngành xây dựng của Mỹ giảm tăng trưởng trong tháng 7 xuống mức thấp nhất trong gần 1,5 năm qua và thị trường đang kỳ vọng về một kết quả rõ ràng hơn của các cuộc đàm phán ở Vienna, Áo để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, mở ra triển vọng nguồn cung.
Thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ giảm sốc tới 7,1 triệu thùng trong tuần trước, xuống còn 425 triệu thùng; dự trữ xăng cũng giảm 4,6 triệu thùng từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đã “tiếp sức” cho giá dầu, khiến “vàng đen” nhanh chóng đảo chiều sau sau hai phiên trượt dốc. Giá dầu đã tăng khoảng 1,5% sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
Giá dầu đã tăng thêm gần 3% sau những tin “vui” từ Mỹ bù đắp cho lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế chậm ở các nước khác có thể làm giảm nhu cầu.
Theo Báo cáo thất nghiệp hằng tuần của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần trước, số người nộp đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp mới ở nước này đã giảm 2.000 người, xuống còn 250.000 người. Cùng với sản xuất công nghiệp tăng mạnh trong tháng 7 và tăng trưởng doanh số bán lẻ, dữ liệu “tích cực” từ Bộ Lao động Mỹ phản ánh tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất khổng lồ khác vào tháng tới.
Giá dầu tăng bất chấp khả năng nguồn cung từ Iran tăng và lo ngại rằng nhu cầu có thể giảm nếu Trung Quốc áp đặt thêm các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
 |
Tin tức từ Gazprom sẽ tác động đến giá dầu tuần tới? Ảnh minh họa: Oilprice |
Chỉ tăng thêm có vài chục cent tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần không đủ để vực dậy giá “vàng đen” đã lao dốc sâu hồi đầu tuần. Giá dầu Brent dừng lại ở mức 96,72 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ ở mức 90,77 USD/thùng.
Ngày 19-8, tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng tất cả các dòng khí đốt đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream từ ngày 31-8 đến 2-9 để bảo dưỡng tại trạm nén khí Trent 60.
Việc bảo trì này nhiều khả năng sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) và sẽ có tác động đến giá dầu tuần tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21-8 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.725 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.669 đồng/lít; dầu diesel không quá 22.908 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.320 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
Ngày mai (22-8), giá xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Dự báo, giá xăng trong nước sẽ giảm. Nếu đúng như dự báo, giá xăng sẽ giảm giá lần thứ 6 liên tiếp.
MAI HƯƠNG