Giá dầu thế giới

Theo Oilprice, lúc 6 giờ ngày 2-11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao tháng 12 “neo” ở mức 94,65 USD/thùng.

Cùng thời điểm, giá dầu WTI tăng 0,34 USD, tương đương 0,38%, lên mức  86,71 USD/thùng.

leftcenterrightdel
 Giá xăng dầu tăng sau khi đồng USD giảm. Ảnh minh họa: Reuters

Giá dầu tăng gần 2 USD trong phiên giao dịch ngày 1-11. Khoản leo dốc này đã bù đắp khoản lỗ của dầu ở phiên trước đó với sự lạc quan rằng Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, có thể mở cửa trở sau các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt và dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm.

Giá dầu Brent giao tháng 1 tăng 1,84 USD, tương đương 2%, lên mức 94,65 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 12, hết hạn ngày 1-11, được giao dịch ở mức 94,83 USD/thùng, giảm 1%. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng 1,84 USD, tương đương 2,1%, lên mức 88,37 USD/thùng sau khi giảm 1,6% ở phiên trước.

Reuters đưa tin, ngày 1-11, chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc đã tăng vọt với tin đồn rằng một ủy ban mở cửa trở lại đã được thành lập và đang xem xét dữ liệu Covid ở nước ngoài để đánh giá các kịch bản mở cửa trở lại khác nhau tại Trung Quốc nhằm mục đích nới lỏng các quy định về Covid trong tháng 3 tới.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group cho biết: “Chúng tôi đang nhận được rất nhiều tín hiệu theo hướng đó và thị trường đang phản ứng rất tích cực với điều đó”.

Hai điểm chuẩn Brent và WTI đều ghi nhận mức tăng hằng tháng trong tháng 10, mức tăng đầu tiên kể từ tháng 5, sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng mục tiêu 2 triệu thùng/ngày.

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets nhận xét, việc OPEC+ cắt giảm sản lượng và dữ liệu xuất khẩu dầu của Mỹ cũng hỗ trợ các yếu tố cơ bản về giá dầu.

Tamas Varga của công ty môi giới dầu PVM cho biết với nguồn cung dầu giảm sau khi Mỹ ngừng giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược và tăng trưởng nhu cầu dầu được phục hồi cũng có thể đẩy giá dầu thô trở lại mức 3 con số, tức là hơn 100 USD/thùng.

Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais cảnh báo sự chậm trễ trong đầu tư vào dầu mỏ đang gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng năng lượng trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Giá xăng dầu đã đảo chiều giảm của phiên đầu tuần. Ảnh minh họa: Reuters

OPEC đã nâng dự báo về nhu cầu dầu thế giới trong trung và dài hạn, đồng thời cho biết cần 12,1 nghìn tỉ USD để đáp ứng nhu cầu này.

Những yếu tố tăng giá này đã bù đắp cho những lo ngại về nhu cầu do việc hạn chế Covid-19 đã làm giảm hoạt động của các nhà máy của Trung Quốc trong tháng 10 và cắt giảm nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này giảm khoảng 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28-10; dự trữ xăng giảm khoảng 2,6 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng khoảng 870.000 thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 2-11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.873 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.756 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.070 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.783 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.082 đồng/kg.

Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều 1-11 với xăng RON 95 tăng cao nhất, 412 đồng/lít, và dầu hỏa tăng thấp nhất, 120 đồng/lít.

Như vậy là giá xăng đã tăng lần thứ 3 liên tiếp sau chuỗi 4 lần giàm. Tính từ đầu năm đến nay, xăng đã trải qua 29 lần điều chỉnh giá, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm, và một lần giữ nguyên.

MAI HƯƠNG