Tăng 5% trong tuần

Thị trường vàng thế giới đã có một tuần thành công khi giá tăng một cách vững chắc. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 chạm mốc cao mọi thời đại mới 2.350 USD/ounce và chốt tuần giao dịch ở mức 2.349,1 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng hơn 1,5% lên mức 2.329,2 USD/ounce. Như vậy, kim loại quý này đã tăng gần 5% chỉ trong 1 tuần.

Đợt phục hồi của vàng trong phiên giao dịch cuối của tuần này diễn ra sau khi dữ liệu công bố mới nhất cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất vững chắc. Cụ thể, báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tạo ra 303.000 việc làm trong tháng 3, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%. Bất chấp sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, tiền lương tương đối im ắng với mức tăng 0,3%, phù hợp với kỳ vọng.

leftcenterrightdel
Giá vàng thế giới tăng 5% trong tuần. Ảnh:Getty Images

Các nhà kinh tế mô tả dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp mới nhất là một “báo cáo bom tấn”, hỗ trợ lợi suất trái phiếu và đồng USD. Lợi suất trái phiếu đã tăng khi thị trường tiếp tục thay đổi kỳ vọng về thời điểm bắt đầu chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Thông thường, việc thay đổi kỳ vọng xoay trục chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực mạnh cho kim loại quý. Tuy nhiên, chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho rằng, nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông nóng lên đang hỗ trợ kim loại quý này và làm lu mờ lo ngại về lãi suất.    

Giám đốc chiến lược đầu tư Robert Minter của Abrdn, một lý do khác khiến vàng tăng mạnh thời gian qua là việc cạn kiệt nguồn cung trong khi cầu tăng đột biến. Bên cạnh đó, khả năng Fed sẽ tiến hành xoay trục chính sách trong năm nay cũng cung cấp lực đẩy cho vàng. Ông cho rằng, dù Fed đang do dự trong việc đưa ra quyết định nới lỏng, nhưng động thái cuối cùng của Fed sẽ là cắt giảm lãi suất. Trong môi trường này, Minter cho rằng, đà tăng giá của vàng mới chỉ bắt đầu.

Mặc dù vàng đang trên đà bứt phá và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nhiều yếu tố, nhưng Giám đốc phụ trách Thị trường vật chất Nicholas Frappell của ABC lại lưu ý giới đầu tư nên thận trọng với kim loại quý này ở mức hiện tại vì giá dường như đã tăng quá nhanh.

Các chuyên gia cho rằng, các dữ liệu kinh tế được công bố vào tuần tới sẽ có ít tác động đến vàng mà hướng đi của kim loại này sẽ chịu tác động nhiều hơn bởi diễn biến của các cuộc xung đột, yếu tố đã và đang cung cấp lực đẩy cho kim loại quý này thời gian qua.

Cần có phương thức quản lý vàng phù hợp

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước trong tuần này cũng dịch chuyển theo xu hướng đi lên. Giá vàng các thương hiệu duy trì quanh ngưỡng 81 triệu đồng/lượng. Vào lúc 14 giờ ngày 6-4, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 81,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng so với đầu tuần. Hiện tại, nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng hơn 11 triệu đồng/lượng.

Thời gian qua, câu chuyện quản lý thị trường vàng trở thành chủ đề “nóng” khi giá liên tiếp “nhảy múa” và biến động khó lường. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý thị trường vàng, nhiều giải pháp đã được đề xuất và áp dụng để đạt mục đích dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế. Nói về vấn đề này, GS, TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần phải tăng cường công cụ về thuế, về kiểm soát thông tin. Không giống các loại hàng hoá khác, vàng không bị mất đi mà chỉ chuyển từ vàng miếng sang vàng trang sức. Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, trong quá trình quản lý, vận hành của mặt hàng này, Nhà nước cần phải quản lý chặt và cơ chế quản lý cũng cần phải thay đổi. Cụ thể, cần phải xem lại việc cấp quota, hạn ngạch cho phép xuất khẩu bao nhiêu, sử dụng công cụ thuế để điều tiết…

leftcenterrightdel

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện trên 11 triệu đồng/lượng. Ảnh: thanhnien.vn

GS, TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần phải tính đến việc lập sàn giao dịch vàng. Tuy nhiên, vàng là hàng hóa đặc biệt, nên cần tính tới phương thức quản lý thế nào sao cho phù hợp. Những năm trước đây có xuất hiện tình trạng nhiều cá nhân, tổ chức giao dịch sàn vàng quốc tế và rủi ro đã có. Do giao dịch vàng cần nghiệp vụ sâu, nên nếu không cẩn trọng, có thể xảy ra khủng hoảng, thiệt hại cho dân.

Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, mô hình sàn vàng không nên giống với các mô hình hàng hóa thông thường ai cũng tiếp cận được mà phải phân từng cấp độ. Ví dụ, sàn sơ cấp sẽ dành cho một số nhà kinh doanh chuyên nghiệp và thông qua liên thông quốc tế. Trong khi đó, sàn thứ cấp sẽ dành cho giao dịch mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để phòng ngừa rủi ro. Ông Cường cũng nhấn mạnh việc tạo ra khung khổ pháp lý và điều kiện hoạt động để có thể phát triển lành mạnh cả thị trường vàng vật chất và thị trường vàng trên sàn vàng.

Bài và ảnh: ANH VIỆT - TRẦN HOÀI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.