Chiều 16-9, giá vàng tại DOJI Hà Nội được điều chỉnh giảm 350 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng hôm nay tại đây đang đứng ngưỡng 65,35 triệu đồng/lượng mua vào; 66,35 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại DOJI Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng hôm nay được điều chỉnh giảm 400 nghìn đồng/lượng chiều mua vào; 300 nghìn đồng/lượng chiều bán ra. Hiện giá vàng tại đây đứng ngưỡng 65,4 triệu đồng/lượng mua vào; 66,4 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại SJC Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng hôm nay giảm 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.
Hiện SJC Hà Nội, Đà Nẵng giao dịch vàng quanh ngưỡng 65,75 triệu đồng/lượng mua vào; 66,57 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng tại SJC Thành phố Hồ Chí Minh có mức mua vào tương tự, giá vàng bán ra ở ngưỡng 66,55 triệu đồng/lượng.
 |
Giá vàng hôm nay tiếp tục giảm sâu. Ảnh: TTXVN |
Ngày hôm nay, vàng tiếp tục chứng kiến sự tuột dốc không phanh khi sáng 16-9 theo giờ Việt Nam, giá vàng chỉ còn 1.662,9 USD/ounce, giảm mạnh 34,7 USD/ounce.
Giá vàng lao dốc khi đồng USD đứng ở mức cao quanh đỉnh 20 năm. Dữ liệu lạm phát tháng 8 của Mỹ cao đã đảm bảo chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất không dưới 75 điểm cơ bản vào tuần tới.
Một bài phân tích trên Kitco News chỉ rõ, vàng chịu áp lực từ kỳ vọng tăng lãi suất tích cực khi đồng đô la Mỹ và lợi tức trái phiếu kho bạc tăng. Kim loại quý đã giảm gần 40 USD từ mức cao hằng ngày và chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm. Sau khi không giữ được mức 1.700 USD/ounce hồi đầu tuần này, vàng đã lùi sâu hơn nữa, chạm mức thấp nhất từng thấy vào tháng 4-2020.
"Vàng đang chống lại đồng đô la Mỹ và kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất cơ bản 75 điểm nữa từ Cục Dự trữ Liên bang", chiến lược gia trưởng thị trường của Blue Line Futures, Phil Streible nói với Kitco News.
Các nhà giao dịch đang tập trung vào cuộc họp FOMC vào tuần tới, dự kiến sẽ chứng kiến Fed tăng lãi suất huy động trong nỗ lực giảm lạm phát giá có vấn đề. Các nhà kinh doanh kim loại quý đang cho rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ tiếp tục làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng và thương mại đối với kim loại.
HẢI YẾN