Dự hội nghị có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
 |
Quang cảnh hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển. Nghị quyết cũng là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển như tỉnh Phú Yên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn.
Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, kinh tế biển cả nước nói chung, Phú Yên nói riêng đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương, cho đất nước.
 |
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương phát biểu tại hội nghị. |
“Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022” là cơ hội quan trọng để các địa phương ven biển thảo luận cùng các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, doanh nghiệp để chia sẻ những kết quả, hạn chế, khó khăn để thảo luận, tìm ra giải pháp phát triển kinh tế biển trong thời gian tới” - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay, đại dịch Covid-19 và tình hình diễn biến thế giới trong thời gian gần đây có thể làm chậm nhịp trong thực hiện các mục tiêu và khâu đột phá trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng với những kết quả bước đầu đã đạt được cùng những kinh nghiệm, giải pháp và sáng kiến được chia sẻ tại Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Với vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên trong thực hiện thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển trên tinh thần độc lập, tự chủ.
Tham luận tại hội nghị, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, trong đó nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thứ tư là khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trọng tâm là kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Hội nghị còn nghe tham luận của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh cho rằng, các ý kiến tham luận và phát biểu tại hội nghị đã tập trung vào những nội dung trọng tâm trong phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam. Về công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng trong phát triển bền vững kinh tế biển, các ban, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao và thống nhất nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về biển, đảo, về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển…
Đồng thời, tập trung rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới hệ thống pháp luật về biển và hải đảo; từng bước thực hiện đầy đủ và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm tính thống nhất, khả thi, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
 |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Cùng với đó là xây dựng, trình duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030; bố trí ngân sách và nguồn lực nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo tại các địa phương có biển…
Các địa phương tiếp tục chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo, khoanh vùng, bảo vệ các khu, hệ sinh thái san hô, cỏ biển trên vùng biển. Tích cực khắc phục và tuân thủ các quy định về “chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định” để sớm hoàn thành việc gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu.
Đặc biệt, củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển…
Tin, ảnh: LÊ HIẾU