Hội thảo tập trung vào diễn biến, nguyên nhân tác động đến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và trong năm 2025 như: Các yếu tố tiền tệ, tỷ giá trong nước và quốc tế; xu hướng phục hồi chậm của kinh tế, thương mại thế giới; căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và thị trường, giá cả hàng hóa toàn cầu; chính sách năng lượng, thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump và đối sách của Việt Nam; sự phát triển của thương mại điện tử và tác động tới thị trường, giá cả tại Việt Nam. Qua đó, đề xuất giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả, tổ chức thị trường phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho hay, vào đầu năm 2024 không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam khi GDP chỉ tăng 5,66% trong quý I-2024, còn CPI vào tháng 3-2024 đã tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ các các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng gia tăng giá cước vận tải, đặc biệt là sự mạnh lên của đồng USD trên thị trường thế giới gây áp lực lớn đến tỷ giá, lãi suất và lạm phát tại Việt Nam.
 |
Quang cảnh Hội thảo chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025”.
|
Mặc dù vậy, kể từ quý II-2024 bức tranh kinh tế đã dần sáng hơn. Sự phục hồi ấn tượng của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã giúp tăng trưởng GDP các quý sau có xu hướng cao hơn so với quý trước. Trong khi đó, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5-2024. Kết quả, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6-6,5%), còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu được Quốc hội thông qua là 4-4,5%. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
Các kết quả này đạt được một phần là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Các chính sách như miễn, giảm, gia hạn thuế, hay giãn nợ, giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng... đã hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế thế giới cũng tương đối thuận lợi cho xuất khẩu với GDP toàn cầu ước tính tăng trưởng 3,2% trong năm 2024, mặt bằng lãi suất giảm nhờ các Ngân hàng Trung ương lớn nới lỏng chính sách tiền tệ, còn giá dầu tương đối ổn định... Những kết quả đạt được về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát cho thấy các chính sách tài khóa, tiền tệ, tỷ giá của Chính phủ đang được điều hành đúng hướng và hiệu quả.
"Trong năm 2025 nền kinh tế thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức 3,2%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá các hàng hóa đầu vào sẽ giảm nhẹ. Mặc dù vậy, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do tình trạng lãi suất cao kéo dài vẫn chưa thể loại bỏ. Ngoài ra, khả năng đồng USD tăng giá do tăng trưởng yếu tại EU, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn hiện hữu. Đây là những rủi ro không nhỏ đối với việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng và lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới", PGS, TS Nguyễn Đào Tùng lưu ý.
Tin, ảnh: ANH VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.