Kết thúc phiên giao dịch ngày 14-12, VN-Index giảm 0,19 điểm (0,01%) còn 1.476,02 điểm, HNX-Index giảm 2,88 điểm (0,63%) xuống 454,68 điểm, UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,19%) về 112,09 điểm.
Chốt phiên, VN-Index mất đi sắc xanh do lực bán mạnh từ nhóm vốn hóa lớn, trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ vận động tích cực. Đóng cửa, loạt cổ phiếu đầu cơ tăng trần có thể kể đến là: TNI, ABS, CEE, IDI, QCG, SJF.
 |
Diễn biến các chỉ số chốt phiên ngày 14-12. Ảnh chụp màn hình. |
Trên sàn HOSE, ba cổ phiếu hỗ trợ tốt nhất đà tăng của thị trường là HPG, BCM, DIG. Chiều ngược lại thì PDR, VIC, VPB tác động lớn nhất đến đà giảm của VN-Index. Đáng chú ý, cổ phiếu PDR bất ngờ bị bán mạnh trong phiên ATC, qua đó đóng cửa ở mức thấp nhất phiên và dừng ở mốc 92.500 đồng/cổ phiếu.
Độ rộng sàn HOSE nghiêng về bên bán với 265 mã giảm giá trong khi có 194 mã tăng giá và 44 mã đứng giá tham chiếu. Tương tự, sàn HNX có 94 mã tăng, 149 mã giảm và 51 mã giữ giá không đổi.
 |
Lực bán mạnh, VN-Index chìm trong sắc đỏ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Về diễn biến theo ngành, nhóm ngân hàng, hóa chất, du lịch và giải trí chịu áp lực bán lớn trong phiên chiều. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng là tác nhân lớn nhất dẫn đến áp lực điều chỉnh của thị trường bởi riêng nhóm này đã lấy đi hơn 2 điểm của VN-Index.
Cụ thể, trong số 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index thì có tới 6 cổ phiếu ngân hàng, bao gồm VPB (giảm 1,13%), CTG (0,92%), VCB (giảm 0,3%), STB (giảm 1,92%), HDB (giảm 1,5%) và SHB (giảm 1,77%). Một số ít đi ngược xu hướng có thể kể đến là: TCB (tăng 0,2%), MSB (tăng 0,41%), EIB (tăng 1,32%), LPB (tăng 3,43%). Ở chiều ngược lại, cổ phiếu nhóm thép, xây dựng và vật liệu, dầu khí,... nỗ lực gồng đỡ để tìm lại sắc xanh cho chỉ số nhưng không thành công.
Cũng trong phiên giao dịch hôm nay, tình trạng phân hóa xảy ra ở nhóm sản xuất khi cổ phiếu thép với HPG tăng 2,47%, TLH tăng 4,65%; HSG, NKG, POM tăng kịch biên độ; trong khi, sắc đỏ hiện lên ở nhiều cổ phiếu như VNM, GVR, DGC, VHC, PHR, HT1, DBC...
Ở nhóm bất động sản, mức độ phân hóa cũng khá cao khi VIC và VRE giảm lần lượt 0,68% và 0,82%; trong khi, VHM đứng giá tham chiếu, NVL tăng 0,89%. Ở các cổ phiếu còn lại, mức độ phân hóa cũng diễn ra tương đối cao và sắc đỏ có phần lấn lướt sắc xanh. Cụ thể, bi đát nhất là PDR giảm 5,9% và DPG giảm kịch sàn, trong khi không ít cổ phiếu bật tăng rất mạnh như: BCM tăng 6,13%, DIG tăng 6,42%; ITA, CII, QCG, NBB đồng loạt tăng kịch trần.
TRẦN YẾN