Tham dự phiên chuyên đề ”Kinh tế - phát triển đô thị” có các đồng chí: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Sau 25 năm tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật. Trong đó, quy mô GRDP của tỉnh đã tăng hơn 103 lần sau 25 năm. GRDP bình quân đầu người hiện đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh tăng mạnh, đạt 82% vào năm 2020, hơn gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước. Bình Dương cũng là điểm đến của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
 |
Các đại biểu tham luận tại chương trình. |
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, Bình Dương đã thực hiện chiến lược đô thị hóa phù hợp: Xây dựng khu đô thị mới, hình thành Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị, phát triển đô thị thông minh, từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình Khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ, vùng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những động lực phát triển mới cho tỉnh trong cả trung hạn và dài hạn. Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã bốn lần liên tiếp vinh danh Vùng thông minh Bình Dương là 1 trong 21 khu vực (tốp 21) có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại phiên thảo luận đều nhận định, Bình Dương đã trở thành một hình mẫu về mở cửa, thu hút đầu tư, tiến hành công nghiệp hóa và đô thị hóa. Những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được 25 năm qua là điểm sáng, phản ánh sinh động về thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước. Kinh nghiệm này đem lại những cơ hội mới cho các địa phương phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động... cũng như huy động thêm các nguồn lực mới từ trong và ngoài nước. Các chuyên gia cũng đánh giá cao Tổng công ty Becamex IDC là mô hình công ty phát triển thành công, giữ vai trò quan trọng trong đồng hành, cùng định hình tiến trình phát triển của Bình Dương.
 |
Quang cảnh phiên thảo luận chuyên đề “Kinh tế - Phát triển đô thị”. |
Từ nền tảng, thành tựu của Bình Dương trong phát triển kinh tế, đô thị, các chuyên gia nhận định, Bình Dương đang chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho những đỉnh cao phát triển mới từ đến năm 2030, sẵn sàng với tầm nhìn định hướng đến năm 2050. Các chuyên gia kỳ vọng rằng, Bình Dương sẽ là một trong những tỉnh đầu tiên cần phải vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để tiếp tục là hình mẫu cho các địa phương khác.
Nhiều kiến nghị, giải pháp cũng được đưa ra tại phiên thảo luận để Bình Dương có thể phát triển đột phá hơn nữa. Trong đó, tỉnh cần thu hút tối đa nguồn lực này cả ở trong và ngoài nước, phát huy truyền thống “chung lưng đấu cật” giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, với sự tham gia của ba nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường)… Bình Dương cần tiếp tục khai thác lợi thế để trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nâng tầm phát triển các đô thị vệ tinh thông minh, đạt tiêu chuẩn cao, kết nối đồng bộ với TP Hồ Chí Minh về hạ tầng giao thông và hạ tầng số, góp phần giải nén dân cư cho TP Hồ Chí Minh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.
Cùng với phiên thảo luận chuyên đề “Kinh tế - Phát triển đô thị”, chiều cùng ngày còn diễn ra các phiên thảo luận khác về chuyên đề: Xây dựng hệ thống chính trị và các bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành; Con người - Văn hóa - Xã hội; Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại.
Tin, ảnh: HỒNG GIANG