|
|
Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị ngập sâu; người dân phải di chuyển bằng thuyền. |
Toàn tỉnh Phú Thọ có 417 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó 6 nhà bị thiệt hại hoàn toàn và 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Hơn 7.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp, bao gồm các hộ dân tại nhiều địa phương như: Hạ Hòa, Tam Nông, Cẩm Khê, Tân Sơn và thành phố Việt Trì.
Ngoài ra, 43 công trình công cộng, bao gồm trụ sở cơ quan, trường học, nhà văn hóa và cơ sở y tế, bị tốc mái và hư hỏng.
Về nông, lâm nghiệp, có 6.400ha lúa và hoa màu bị ngập úng, 423ha cây lâu năm, hơn 168ha cây trồng hàng năm, và 127ha rừng bị đổ gãy. Đợt lũ cũng ảnh hưởng lớn đến ngành nuôi trồng thủy sản với 2.000ha ao nuôi bị tràn, 85 lồng cá bị chìm.
Về thủy lợi và đê điều, nhiều tuyến đê bị tràn, 980m bờ sông bị sạt lở. Ngoài ra, 26.500m3 đất bị sạt lở trên các tuyến đường giao thông, cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C bị sập, cuốn theo 2 ô tô và 5 xe máy.
Nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng như thủy lợi, đê điều, giao thông và hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Công tác thống kê vẫn đang tiếp tục do một số khu vực vẫn còn bị ngập sâu và chia cắt.
Ngay sau khi nước rút, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường và ổn định đời sống cho người dân. Các biện pháp khẩn cấp được triển khai bao gồm khử trùng, tiêu độc và tẩy uế các khu vực bị ngập nước. Các địa phương cũng hỗ trợ người dân trở về nơi ở cũ để sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục sản xuất.
|
|
Bộ đội Sư đoàn 316 giúp nhân dân xã Đan Thượng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ dọn dẹp sau lũ.
|
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát các công trình và khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là những vị trí trọng yếu như các tuyến đê bị sạt, hồ đập, và khu vực có nguy cơ sạt lở taluy, nhằm đánh giá và triển khai các biện pháp phòng, chống sự cố.
Đối với các huyện có đê sông, đê ngòi, các vị trí xung yếu được kiểm tra để bổ sung lực lượng và vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ", đồng thời thực hiện di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Đối với khu vực đồi núi, các hộ dân sống gần taluy được yêu cầu sẵn sàng sơ tán, do mưa nhiều ngày khiến đất no nước và dễ xảy ra sạt lở.
Tin, ảnh: PHÚ SƠN - HOÀNG VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.