Báo Quân đội nhân dân bình chọn 10 sự kiện, thành tựu nổi bật nhất của đất nước trong năm 2021 như sau:

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp

Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Đại hội khai mạc ngày 26-1, bế mạc ngày 1-2. Sau 7 ngày làm việc, Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm 200 đồng chí, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết, tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên.

Đại hội đặt mục tiêu, đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

2. Cuộc bầu cử đặc biệt nhất, quy mô lớn nhất thành công rất tốt đẹp

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ tham gia bầu cử tại Hải Phòng. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Ngày 23-5, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp, trở thành cuộc bầu cử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu lá phiếu tại 84.767 khu vực bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt tới 99,6%.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn bởi đại dịch Covid-19, nhưng nhân dân ta đã đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị thực hiện thành công rất tốt đẹp cuộc bầu cử. Ngay sau đó, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã họp để kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao và các cấp; thực hiện tốt các chức năng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; sát cánh cùng cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

3. Chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19

Bác sĩ không chỉ chữa bệnh mà còn luôn ở bên động viên tinh thần bệnh nhân. Ảnh: PHẠM HẰNG 

Cùng với biến thể Delta, biến chủng Omicron xuất hiện đã trở thành thách thức mới trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận gần 1,7 triệu ca nhiễm Covid-19 (trong đó gần 32.000 ca tử vong, khoảng 1,4 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi).

Cùng với đó, năng lực ứng phó của hệ thống y tế từng bước được nâng lên; diện bao phủ vaccine, nhất là đối với nhóm người có nguy cơ cao, các đô thị lớn, tăng nhanh giúp chúng ta chủ động hơn trong phòng, chống dịch.

Nước ta vẫn kiên định mục tiêu “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết”; chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

4. Quân đội thực hiện cuộc điều quân lớn để hỗ trợ phòng, chống dịch

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, động viên đoàn cán bộ, học viên Học viện Quân y trước khi xung kích vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, ngày 25-8-2021. Ảnh: TUẤN HUY 

Ngay từ khi dịch bùng phát tại một số địa phương, cùng với các lực lượng khác, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã có mặt kịp thời cùng chính quyền, nhân dân các địa phương phòng, chống dịch.

Đặc biệt, trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay), lực lượng quân đội đã thực hiện cuộc điều quân lớn nhất kể từ sau chiến tranh tới nay để tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch, thời điểm cao nhất là hơn 138.000 người, riêng lực lượng quân y đã tăng cường hơn 9.700 người của 34 đầu mối đơn vị, 55 xe cứu thương, hàng chục xe và máy xét nghiệm; triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.500 giường bệnh; thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ tiêm vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm; chủ động dự báo, phối hợp sản xuất, đáp ứng nhu cầu oxy y tế để điều trị bệnh nhân.

Hình ảnh bộ đội trực tiếp khám bệnh, mang thuốc, oxy, điều trị bệnh nhân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; hình ảnh người chiến sĩ quân y không quản nắng mưa đến từng gia đình chăm sóc bệnh nhân F0 đã tạo cảm giác yên tâm cho người dân. Càng trong gian khó, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ càng ngời sáng. Những việc làm cụ thể, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn của đại dịch, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, tạo sức mạnh đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.

5. Vượt qua khó khăn do Covid-19, GDP tăng trưởng 2,58%

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III-2021, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, GDP năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Dù thấp hơn mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhưng đây là nỗ lực lớn của nước ta trong việc phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, kinh doanh.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: ĐỨC QUANG 

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt hơn 668 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các cân đối lớn khác của nền kinh tế được duy trì ổn định.

Bình quân năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Thu ngân sách nhà nước ước tính cả năm 2021 đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng); thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2021 tăng 45,5% so với cuối năm 2020. Việt Nam cũng trở thành một trong 20 nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới.

6. Tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào tháng 11-2021. Ảnh Ban Nội chính Trung ương cung cấp  

Ngày 16-9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25-12-2019 của Bộ Chính trị khóa XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Đây là một bước chuyển lớn trong hoạt động của Ban chỉ đạo khi mở rộng phạm vi chỉ đạo, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, mà còn là cả phòng, chống tiêu cực.

Trong năm 2021, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được triển khai quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

7. Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26

Ngày 1-11 (giờ địa phương), tại Glasgow (Vương quốc Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng đoàn đại biểu Việt Nam tại COP26. Ảnh: KHƯƠNG TRUNG 

Tại đây, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khoa học, công nghệ, tài chính với nhiều đối tác quốc tế. Chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu trung hòa carbon (giảm sự gia tăng ròng khí thải nhà kính toàn cầu vào khí quyển) vào năm 2050, cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030, tham gia tuyên bố chuyển đổi năng lượng, rừng và sử dụng đất.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ mang tính đột phá, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để đề xuất các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi và tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo.

8. Ngành ngoại giao đạt nhiều thành quả ấn tượng

Ngày 14-12, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới. Cùng với Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho ngành ngoại giao thúc đẩy hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đối ngoại theo đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam bàn giao vaccine và trang thiết bị y tế được các nước châu Âu hỗ trợ ngay khi xuống sân bay Nội Bài, ngày 12-9. Ảnh: CHIẾN THẮNG 

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước vẫn được duy trì với nhiều chuyến thăm song phương, nhiều cuộc hội đàm/điện đàm trực tuyến được tổ chức, nhiều hoạt động đa phương hiệu quả. Đặc biệt là công tác ngoại giao vaccine đã đạt hiệu quả cao, đưa Việt Nam từ “vùng trũng” vaccine trở thành một trong số ít nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao nhất thế giới.

9. Hình thành nhiều nền tảng của Nhà nước số, xã hội số, kinh tế số

Bệnh viện K hỗ trợ tuyến dưới mổ qua hệ thống Telehealth. Ảnh: CÙ HƯƠNG 

Lộ trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã được khởi động từ nhiều năm trước và đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này. Việc khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một mốc lớn, là bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng.

Năm 2021 cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc doanh nghiệp công nghệ số. Cho tới nay, Việt Nam đã có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, với doanh thu năm 2021 lên tới hơn 135 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều giải pháp công nghệ cũng đã được đưa vào giải quyết các vấn đề của quốc gia, như việc triển khai trên cả nước Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth); thí điểm dịch vụ Mobile Money (ví điện tử viễn thông)...

10. Nỗ lực hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và bão lũ liên tiếp ở miền Trung, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý hoàn thành vượt dự toán trên 177.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo ước thu năm 2021 của các cục thuế, có 60/63 địa phương đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021; có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán. Kết quả ấn tượng này đã góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn về tài chính ngân sách.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các đại biểu nhấn nút kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử. Ảnh: Anh Việt

Đặc biệt, ngày 21-11, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chính thức kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử. Đây là một bước tiến dài; nhờ đó, các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt, đặc biệt người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được thực hiện nghĩa vụ nộp thuế qua mạng, không phải trực tiếp đến các cơ quan liên quan.

QĐND