Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): Cần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự

QĐND - Tôi cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự - nghĩa vụ vẻ vang của công dân.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp

Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) quy định tháng 4 hằng năm, các địa phương gọi công dân để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Thực tế ở các vùng nông thôn hiện nay, thanh niên ở tuổi 17, 18,  ăn Tết xong là “khăn gói quả mướp” lên đường kiếm việc làm. Đến tận tháng 4 chúng ta mới tổ chức đăng ký thì gây khó khăn cho công dân, họ phải ở nhà đăng ký nghĩa vụ xong mới đi làm, có thể sẽ chậm thời gian họ làm việc, bỏ lỡ cơ hội việc làm. Vì thế tôi đề nghị tốt nhất cho công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu vào tháng 2, ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Quy định tháng 4 hằng năm đăng ký nghĩa vụ quân sự chỉ thuận lợi cho cơ quan tuyển quân, chưa hẳn thuận lợi cho công dân.

Về Điều 17, đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định thống nhất khi công dân đi tạm vắng ở địa phương, gia đình phải đến cơ quan công an để báo tạm vắng. Khi báo cơ quan công an thì cơ quan công an sẽ chuyển thông tin đó sang cho cơ quan quân sự.

PHÚ QUÝ (lược ghi)

Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh): Hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ nên được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự

Tôi thống nhất việc quy định chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân. Đây là chính sách quan trọng để thực hiện công bằng xã hội, trong điều kiện số công dân phục vụ tại ngũ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số công dân đến tuổi nhập ngũ.

Đại biểu Nguyễn Hoài Phương. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp

Tuy nhiên, qua nghiên cứu Điều 51 dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), tôi nhận thấy hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ chưa được quy định ưu tiên khi tham gia tuyển sinh quân sự, trong khi hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ đã có quy định rõ. Mà hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ cũng là một kênh tuyển chọn nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhất là về phẩm chất chính trị và đã qua rèn luyện trong quân đội.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung quy định về quyền lợi của hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian tại ngũ ở Khoản 2, Điều 51 dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) là được tham gia và hưởng chế độ ưu tiên, ưu đãi về tuyển sinh quân sự theo quy định của pháp luật.

NGUYỄN THẮNG (ghi)

Đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam): Nên giao quân y kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị

Việc kiểm tra sức khỏe với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị trước khi gọi tập trung huấn luyện là cần thiết. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về địa phương làm các ngành nghề, tham gia lao động sản xuất ở địa phương, thì tình hình sức khỏe của quân nhân dự bị cũng đã bị hao hụt, có những bệnh phát sinh trong quá trình học tập, công tác cũng như lao động. Cho nên, khi tập trung huấn luyện dân quân tự vệ, một số không bảo đảm sức khỏe nên không hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện, có những trường hợp tử vong do bệnh mãn tính tái phát khi tập trung huấn luyện với cường độ cao, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Điều này ảnh hưởng đến việc huy động lực lượng quân nhân dự bị tham gia huấn luyện, SSCĐ.

Đại biểu Phạm Văn Tam. Ảnh do Văn phòng Quốc hội cung cấp.

Tuy nhiên, việc giao cho phòng y tế cấp huyện tổ chức khám sức khỏe cho quân nhân dự bị là chưa thật hợp lý. Những đối tượng này vẫn thuộc quyền quản lý, chỉ huy về nhiệm vụ quân sự của các đơn vị quân đội nên hoàn toàn khác với việc khám sức khỏe như công dân nhập ngũ lần đầu. Trong quy trình huy động quân nhân dự bị tập trung huấn luyện, nếu kéo dài thời gian chuẩn bị ở địa phương sẽ gây tốn kém. Hơn nữa, quy trình huy động quân nhân dự bị đòi hỏi tính bí mật về lực lượng tham gia huấn luyện hằng năm. Nếu kiểm tra sức khỏe, coi như công bố toàn bộ số liệu phải tập trung huấn luyện, như vậy không có lợi. Ngoài ra, quân nhân dự bị được huy động huấn luyện tại địa phương một năm có rất nhiều đầu mối đơn vị, có thời gian huy động khác nhau nên việc kiểm tra sức khỏe giao cho địa phương làm thì rất khó khăn cho địa phương, nhất là những phòng y tế cấp huyện, ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến huyện. Đó là chưa kể những tiêu cực, biến tướng trong quá trình không muốn đi tập trung huấn luyện hoặc thực hiện chế độ chính sách.

Do vậy, việc kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị nên giao cho quân y các đơn vị quân đội kiểm tra sau khi tập trung về đơn vị huấn luyện theo quy định của Bộ Quốc phòng. Như vậy vừa đơn giản, dễ làm, đồng thời đơn vị cũng nắm chắc hơn sức khỏe của quân nhân dự bị thuộc quyền quản lý của mình.

THÙY LÂM (ghi)