Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội):
Tính phản biện và tranh luận tại Quốc hội ngày càng cao
QĐND - Hơn một tháng làm việc vừa qua cho thấy, về cuối nhiệm kỳ, Quốc hội vẫn giữ được không khí nhiệt huyết. Cùng với đó, kỹ năng, kinh nghiệm của đại biểu được nâng lên rất nhiều. Có những đại biểu còn rất bỡ ngỡ trong hoạt động nghị trường trong kỳ họp đầu tiên, nhưng tới Kỳ họp thứ chín thì kể cả đại biểu trẻ cũng đã dày dạn kinh nghiệm nghị trường, ý kiến phát biểu ngày càng có chất lượng hơn.
Điều mà tôi tâm đắc nhất tại kỳ họp này là tính phản biện và tính tranh luận ngày càng cao. Đó là điều rất quan trọng của nghị trường. Nghị trường Quốc hội là nơi phản ánh mọi chính kiến ở giác độ của mỗi đại biểu. Chẳng hạn, đại biểu Quốc hội làm việc trong lĩnh vực lập pháp, lĩnh vực văn hóa, hay trong lĩnh vực quốc phòng sẽ có những cách nhìn khác nhau về một vấn đề. Từ việc nhìn dưới các giác độ khác nhau về một vấn đề đó, họ tranh luận với nhau để cùng đi đến một chân lý.
Tuy nhiên, muốn quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống, phải triển khai nhiều việc, từ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến tăng cường hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Trong đó, các cơ quan của Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát. Việc tăng cường giám sát phải thể hiện ở tính hiệu quả, tính thực tiễn. Chỉ khi nào giám sát làm rõ được trách nhiệm thì giám sát mới đúng nghĩa là giám sát. Giám sát mà chỉ là những kết luận chung chung thì sẽ không mang lại hiệu quả đích thực và khi chưa làm rõ được trách nhiệm thì hiệu quả giám sát rất kém.
THÙY LÂM (ghi)
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên):
Quốc hội thể hiện tinh thần trách nhiệm và dân chủ
Tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần rất thẳng thắn, trách nhiệm khi thảo luận. Mặc dù có những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng qua tranh luận, qua giải trình, những vấn đề đó đã được làm rõ. Quốc hội cũng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm và dân chủ khi quyết định. Tôi cho rằng, hoạt động chất vấn là đỉnh cao của hoạt động giám sát tại kỳ họp và đã thể hiện được tinh thần đó.
Tuy nhiên, để phiên chất vấn đạt được kết quả cao hơn thì nhiều đại biểu mong muốn cần dành thời gian chất vấn mỗi bộ trưởng nhiều hơn. Việc tăng thời lượng như thế không chỉ để hỏi, trả lời, mà còn có thể tranh luận giữa người được chất vấn và người chất vấn, để những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra được xem xét, được truy đến cùng. Thông tin chất vấn cần sự minh bạch, cần được làm rõ. Muốn làm rõ cần phải có sự trao đổi giữa người chất vấn và người được chất vấn.
NGUYỄN TÀO (ghi)
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội):
Nên kéo dài thời gian chất vấn
Theo tôi, thời gian chất vấn cần kéo dài hơn. Khi chất vấn, thậm chí không cần gửi câu hỏi trước. Kỳ họp này, đại biểu cũng đã được chất vấn lại đến 3, 4 lần, nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn. Những vấn đề bức xúc của dân nên được hỏi luôn để các đồng chí đầu ngành có thể tranh luận và đưa ra giải pháp. Tranh luận, trao đổi thì mới đi đến chân lý được. Ví dụ, tôi cho là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được yêu cầu chất vấn khi công khai trước Quốc hội là giảm một số loại phí, lệ phí cho bà con. Điều đó là rất cần, thể hiện trách nhiệm cũng như sự nắm sát của Bộ trưởng. Bộ trưởng đã nói ngay lập tức, không như người khác còn phải báo cáo hay nghiên cứu.
NAM THANH (ghi)