QĐND - Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh-40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” do Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17-3 là sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2015). Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố cùng nhiều cán bộ lão thành cách mạng, tướng lĩnh, chuyên gia, nhà khoa học… trong cả nước.

 Đô thị TP Hồ Chí Minh ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: XUÂN CƯỜNG

Khẳng định vai trò đầu tàu, đi trước, về đích trước

Với mục đích khẳng định thành tựu to lớn, toàn diện trong xây dựng và bảo vệ thành phố, hội thảo tập trung làm rõ những kết quả toàn diện của thành phố, bài học kinh nghiệm về lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân để xây dựng và phát triển thành phố; đồng thời, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, góp phần xây dựng TP Hồ Chí Minh-Thành phố anh hùng-ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nêu rõ: Cách đây 40 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đã tích cực tham gia cách mạng, cùng cả nước giành chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố luôn tiên phong, gương mẫu thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu mạnh, đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, xứng đáng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ… của cả nước.

Khẳng định vấn đề trên, GS, TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tâm đắc: Kế thừa và phát huy những tinh hoa của dân tộc, TP Hồ Chí Minh không ngừng vươn lên, giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, ngày càng chứng tỏ vai trò đô thị đặc biệt, có sức thu hút, lan tỏa lớn trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều đó thể hiện ở sự tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao (từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng kinh tế của thành phố xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước). Chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị bền vững đều có nhiều tiến bộ rõ rệt, xứng đáng là thành phố đi trước, về đích trước trong sự nghiệp CNH, HĐH.

Đây cũng là ý kiến tâm huyết của PGS,TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản: Hiện tại, TP Hồ Chí Minh có nền kinh tế thị trường sầm uất, năng động nhất nước. Thành phố đang triển khai thực hiện thí điểm đề án mô hình chính quyền đô thị-bước đột phá trong đổi mới để phát triển nhanh và bền vững, được kỳ vọng là một mô hình tiêu biểu, khả thi.

Năng động, sáng tạo và đổi mới    

Hòa chung niềm vui, niềm tự hào của người dân thành phố, GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu cho rằng, sự đi trước, đi tiên phong của TP Hồ Chí Minh được kế thừa từ truyền thống năng động, sáng tạo, chịu khó tìm tòi, đổi mới được đúc kết từ lâu đời mà thể hiện rõ nhất là trong 40 năm giải phóng. Những thành tựu hôm nay là kết quả của sự kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh cách mạng, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn thành phố. Nó gắn liền với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và tư duy đổi mới, nhanh nhạy của Đảng bộ Thành phố. Chỉ có những con người năng động, bám sát thực tiễn, gần gũi với cuộc sống của nhân dân và đau đáu vì sự phát triển của thành phố mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới để tiến bộ.

Minh chứng cho những điều trên, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố đưa ra 10 điểm then chốt, trong đó nhấn mạnh: Tinh thần dám nghĩ, dám làm, không chịu lùi bước trước khó khăn và những trói buộc của cơ chế đã trở thành nhân tố cốt yếu trong nội dung đổi mới, phát triển thành phố. Đó còn là việc tìm ra chân lý từ thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội. Chẳng hạn như vấn đề xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện chính sách mở; mạnh dạn thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi đất lấy hạ tầng để phát triển đô thị… Những cách làm sáng tạo, quyết đoán đó đã tạo nên diện mạo mới, tầm vóc mới của thành phố mang tên Bác kính yêu.

Phân tích dưới góc nhìn lịch sử, PGS, TS Hà Minh Hồng (Trường Đại học KHXH-NV TP Hồ Chí Minh), nhận định: Trong chiến tranh, sự sáng tạo của người Sài Gòn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực. Chỉ tính riêng địa đạo Củ Chi với hàng trăm ki-lô-mét đường hầm nằm sâu trong lòng đất, đủ để sinh hoạt, kháng chiến lâu dài và giành nhiều thắng lợi vang dội đã là một kỳ tích. Chiến tranh kết thúc, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh lại năng động, đổi mới, sáng tạo để tháo gỡ khó khăn về kinh tế, nông nghiệp, thương mại, cơ sở hạ tầng…; thí điểm chuyển đổi hình thức công ty hợp doanh chia lãi (một dạng của công ty cổ phần theo hình thức tư bản nhà nước) được vận dụng đầu tiên trong cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực... Bởi vậy, sự năng động, sáng tạo vừa là truyền thống, vừa là giá trị lịch sử, vừa là bài học quý kết tinh từ thực tiễn hơn 300 năm hình thành và phát triển thành phố; đồng thời, là phẩm chất tốt đẹp của mỗi công dân TP Hồ Chí Minh.

Chăm lo cho dân, tăng cường sức mạnh đoàn kết

Những thành công của TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục khẳng định vấn đề dựa vào dân, lấy dân làm gốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, chăm lo đời sống của nhân dân để tạo sự đồng thuận. Đó là nguồn cội của mọi thắng lợi. Nhiều tham luận nhận định, ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã chú trọng giải quyết vấn nạn thiếu đói lương thực cho nhân dân bằng cách thu mua gạo từ nhiều tỉnh khác đưa về cung cấp trên toàn địa bàn thành phố. Chủ trương thông thương này đã đi trước chủ trương của Trung ương, kịp thời đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của nhân dân, đồng thời mở ra hướng mới có lợi cho cả các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, chủ trương "xóa đói giảm nghèo" từ TP Hồ Chí Minh đã lan rộng ra cả nước, bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ V (tháng 10-1991), với nội dung thu hẹp dần số hộ nghèo, tạo điều kiện cơ sở vật chất để mở mang sản xuất, làm dịch vụ; đẩy mạnh công tác từ thiện giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi. Nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân được triển khai trên thực tế, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nổi bật là mô hình bệnh viện miễn phí dành cho người nghèo đầu tiên trên cả nước và đề án giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đang là điển hình ở nước ta. Công tác chăm lo đời sống nhân dân, hỗ trợ gia đình chính sách luôn phát huy sức mạnh của thế “kiềng ba chân” (Nhà nước-cộng đồng-đối tượng) để người dân thực sự được hưởng những quyền lợi chính đáng, ổn định cuộc sống...

Phấn khởi trước những ý kiến chân thành, tâm huyết và sự tin tưởng của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố lân cận và nhân dân, đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội thảo, ghi nhận giá trị khoa học của những tham luận; đồng thời, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, sự cụ thể hóa sát với thực tiễn của Đảng bộ Thành phố trên cơ sở dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những thành tựu của thành phố trong suốt 40 năm qua là kết quả của những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân và sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước để TP Hồ Chí Minh thực sự xứng tầm là một đô thị đặc biệt mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, hướng tới thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

HOÀNG THÀNH (tổng thuật)